|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Biểu đồ caro (Point-and-Figure Chart - P&F) là gì?

09:36 | 27/03/2020
Chia sẻ
Biểu đồ caro (tiếng Anh: Point-and-Figure Chart - P&F) là loại biểu đồ thể hiện biến động giá của cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa hoặc hợp đồng tương lai mà không tính đến sự trôi qua của thời gian.
Biểu đồ Caro (Point-and-Figure Chart - P&F) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: steemit.com

Biểu đồ caro

Khái niệm

Biểu đồ caro hoặc Biểu đồ điểm và số trong tiếng Anh là Point-and-Figure Chart, viết tắt: P&F.

Biểu đồ caro là loại biểu đồ thể hiện biến động giá của cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa hoặc hợp đồng tương lai mà không tính đến sự trôi qua của thời gian.

Nội dung

Trái ngược với một số loại biểu đồ khác (ví dụ biểu đồ hình nến), biểu đồ P&F sử dụng các cột bao gồm các kí hiệu X hoặc O xếp chồng lên nhau, mỗi cột biểu thị một lượng của chuyển động giá. X minh họa giá tăng, trong khi O đại diện cho giá giảm.

Các nhà phân tích kỹ thuật vẫn sử dụng các khái niệm như ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, cũng như các mẫu khác, khi xem biểu đồ P&F. Một số ý kiến cho rằng các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, cũng như các phá vỡ, được xác định rõ ràng hơn trên biểu đồ P&F vì nó lọc ra các biến động giá nhỏ và ít bị ảnh hưởng bởi các phá vỡ thất bại.

Các biến trong biểu đồ caro

Biểu đồ caro không yêu cầu tính toán, nhưng chúng yêu cầu ít nhất hai biến:

- Một biến là kích thước hộp (box size). Kích thước hộp có thể là một số tiền cụ thể (ví dụ $1), tỉ lệ phần trăm (ví dụ 3% giá hiện tại), có nghĩa là kích thước hộp sẽ dao động dựa trên biến động.

- Biến thứ hai là lượng đảo chiều (reversal amount). Lượng đảo chiều thường gấp ba lần kích thước hộp. Ví dụ: nếu kích thước hộp là 1 đô la, lượng đảo chiều là 3 đô la.

- Một biến tùy chọn là sử dụng giá cao và thấp cho tài sản cơ bản hay sử dụng giá đóng cửa. Sử dụng giá cao và thấp sẽ có nghĩa là tạo ra nhiều X và O hơn, trong khi chỉ sử dụng giá đóng cửa (tính toán ít chuyển động hơn so với cao và thấp) sẽ có nghĩa là tạo ra ít X và O hơn.

Chìa khóa để lập biểu đồ caro là kích thước hộp hoặc mức độ dịch chuyển giá xác định thêm X hoặc O vào biểu đồ. Ví dụ: giả sử kích thước hộp là 3 đô la. Nếu X gần nhất ở mức giá 15 đô la, một cái mới sẽ được thêm vào cột X hiện tại khi giá tăng lên 18 đô la.

Đáng chú ý, X sẽ tiếp tục trong cùng một cột với điều kiện giá tiếp tục tăng và khi xu hướng giá bị đảo ngược một cột O mới được bắt đầu. Điều tương tự cũng đúng với cột O trong một thị trường đang suy giảm; cột O tiếp tục cho đến khi cổ phiếu đảo chiều, tại đó một cột X mới bắt đầu.

Sự đảo chiều xảy ra khi giá không còn di chuyển một mức đủ để thêm X hoặc O khác vào cột X hoặc O hiện tại, và sau đó giá di chuyển ít nhất ba kích thước hộp (nếu đây là lượng đảo chiều được chọn) theo hướng ngược lại. Khi xảy ra sự đảo chiều, một số X hoặc O sẽ được thêm cùng một lúc.

Ví dụ: sau khi tăng giá, nếu xảy ra sự đảo chiều và lượng đảo chiều là kích thước 3 hộp thì 3 O sẽ được thêm vào, bắt đầu từ một điểm dưới X cao nhất.

Hạn chế của biểu đồ caro

Biểu đồ P&F có thể chậm phản ứng với thay đổi giá. Ví dụ, một phá vỡ phải di chuyển đủ số lượng hộp để báo hiệu sự phá vỡ xảy ra. Điều này có thể có lợi cho một số nhà giao dịch vì nó có thể làm giảm tín hiệu phá vỡ giả, nhưng giá đã di chuyển số lượng hộp vượt quá điểm phá vỡ. Đối với một số nhà giao dịch, nhận được tín hiệu sau khi giá đã di chuyển có thể không hiệu quả.

Biểu đồ P&F có hiệu quả trong xu hướng mạnh, vì rất nhiều chuyển động nhỏ ngược xu hướng được lọc ra. Tuy nhiên, khi một sự đảo chiều xảy ra, nó có thể xóa đi đáng kể lợi nhuận hoặc dẫn đến thua lỗ lớn. Bởi vì lượng đảo chiều thường rất lớn, nếu một nhà giao dịch chỉ sử dụng biểu đồ P&F, họ sẽ không thấy sự đảo chiều cho đến khi giá đã di chuyển đáng kể so với họ.

Khi sử dụng biểu đồ P&F, ta cũng cần theo dõi giá thực tế của tài sản để rủi ro có thể được theo dõi trong thời gian thực. Điều này có thể được thực hiện bằng cách theo dõi biểu đồ nến hoặc biểu đồ OHLC (thể hiện giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất trong phiên trên biểu đồ).

(Nguồn tham khảo: Investopedia)

Mai Phạm