|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 'cá mập' lắc đầu, startup làm giải pháp tổng đài thông minh vẫn ngã giá cân não, sòng phẳng với Shark Hưng

07:30 | 31/05/2021
Chia sẻ
Dù gọi vốn thấp hơn so với mức định giá nhưng CEO Phùng Ngọc Toàn vẫn cảm thấy vui vì công sức sau 2 năm khởi nghiệp đã được công nhận.

Đến với Thương vụ Bạc tỷ mùa 4, ông Phùng Ngọc Toàn, nhà sáng lập của công ty Ánh Dương mang đến công nghệ Smart Call Center đến để thuyết phục các "cá mập" đầu tư 2 tỷ đồng cho 8% cổ phần. Ông mong muốn đi cùng với các "cá mập", qua đó có thể tiến xa hơn trên chặng đường khởi nghiệp.

Theo dự kiến, số vốn kêu gọi được sẽ sử dụng 50% cho hoạt động tuyển dụng và mở rộng quy mô; 20% cho marketing; 20% cho R&D (hoạt động nghiên cứu và phát triển) và 10% dành cho quỹ dự phòng.

"Chúng tôi đã chờ ngày này hai năm rồi. Công nghệ gì không hề quan trọng, cái quan trọng là nó đi vào được cuộc sống", ông Toàn cho hay. Ông nói thêm rằng việc số hóa được cuộc gọi nên công ty tự tin mang tới công suất rất lớn với 300 cuộc gọi/5 phút và mức giá cực rẻ với 2,5 triệu đồng/tháng.

Năm 2019, Ánh Dương đạt lợi doanh thu 1,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận gộp 724 triệu đồng. Năm 2020, doanh thu đạt 924 triệu đồng, lợi nhuận 220 triệu đồng. 

Về cơ cấu cổ đông, ông Toàn đang sở hữu 53% cổ phần; một Giám đốc công nghệ sở hữu 40% và cổ phần còn lại thuộc về các nhân viên đã theo công ty từ đầu. Hiện Ánh Dương đang đi thuê văn phòng với chi phí 65 - 70 triệu tháng, vốn điều lệ là 10 tỷ đồng nhưng thực tế chưa góp vốn vì đã lãi từ những ngày đầu tiên

Mang giải pháp hỗ trợ dân telesale ngồi một chỗ gọi cho hàng trăm người đi gọi vốn, startup kì kèo từng phần trăm với cá mập - Ảnh 1.

CEO Phùng Ngọc Toàn mang giải pháp công nghệ Smart Call Center tới gọi vốn (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Shark Đỗ Liên cho rằng giải pháp công nghệ của Ánh Dương là không hề mới và bà đã làm nó từ lâu. CEO Phùng Ngọc Toàn cho rằng giải pháp của công ty phục vụ việc nâng cao hiệu quả của cá nhân kèm theo việc cá nhân hóa công nghệ, khác với mục đích dành cho quản trị của công nghệ cách đây hàng chục năm.

Trong khi đó, Shark Phạm Thanh Hưng thì cho rằng việc sử dụng ứng dụng này còn tùy thuộc vào sự khôn khéo của người dùng vì công cụ AI chưa chắc đã nhận biết được phản hồi của khách hàng.

Khi được hỏi liệu công nghệ của Ánh Dương có thể phục vụ trên các nền tảng mạng xã hôi khác, ông Toàn cho rằng có API (giao diện lập trình ứng dụng) thì mọi thứ đều có thể làm được trên cả Zalo, Facebook, Viber.  Tuy nhiên, hiện tại Facebook chưa cho phép làm việc đó vì sợ spam người dùng. Thực tế, giải pháp của Ánh Dương đã được kết hợp Cục Quản trị thông tin và giải pháp này không sinh ra để spam.

Ngoài ra, CEO Phùng Ngọc Toàn tiết lộ Giám đốc công nghệ của Ánh Dương hiện đang sở hữu một công ty chuyên cá biệt hóa phần mềm dành cho doanh nghiệp lớn.Hiện Ánh Dương đang có 30 khách hàng sử dụng thường xuyên và đều là những cá nhân kinh doanh bất động sản. 

Sở hữu tổ hợp y tế Phương Đông, Shark Việt chất vấn liệu Ánh Dương có khách hàng nào trong dịch vụ y tế hay không. CEO Phùng Ngọc Toàn trả lời giải pháp này cực kỳ hữu ích với dịch vụ y tế và nếu Shark Việt có một nhân viên sale giỏi, ông sẽ giúp Shark Việt nhân bản bạn nhân viên đó.

Với mức định giá, ông Toàn cho rằng công ty dự kiến sẽ đạt mốc 500 khách hàng vào cuối nam sau, đồng thời có giữ được tỷ lệ tái kí của khách.

Mang giải pháp hỗ trợ dân telesale ngồi một chỗ gọi cho hàng trăm người đi gọi vốn, startup kì kèo từng phần trăm với cá mập - Ảnh 2.

(Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Shark Nguyễn Hòa Bình cho rằng giải pháp hỗ trợ dân sale chuyển đổi số sẽ thành công. Song, ông đã từng đầu tư vào một giải pháp tương tự trước đó rồi nên Shark Bình quyết định sẽ không đầu tư. 

Shark Đỗ Liên cũng không đầu tư vì chưa nhìn thấy lợi thế cạnh tranh. Về phần Shark Việt, ông cho rằng mình quan tâm tới dịch vụ y tế nhưng Ánh Dương chưa đáp ứng được và định giá quá cao nên ông từ chối đầu tư. 

Shark Phú cũng lắc đầu vì cảm thấy giải pháp của startup không phù hợp với hệ sinh thái Sunhouse nên ông từ chối đầu tư. Tuy nhiên ông tỏ ra quan tâm và có thể sẽ mua giải pháp của Ánh Dương cho nhân viên sử dụng.

Khi còn lại một mình Shark Hưng trong bể, ông vẫn còn bận tâm đến khả năng nâng cấp AI của giải pháp. Ánh Dương cho biết họ đang sử dụng API của các nhà cung cấp, cụ thể là FPT AI. Ngoài ra, nếu Shark Hưng đầu tư thì Ánh Dương sẽ phát hành mới và toàn bộ số tiền thặng dư vốn sẽ ở lại công ty, không ai rút ra hết.

Với kinh nghiệm triển bất động sản, ông Hưng đảm bảo sẽ giúp Ánh Dương có hàng nghìn khách hàng ngay lập tức với điều kiện Ánh Dương phải đứng trong hệ thống của ông. Shark Hưng mong muốn khoản đầu tư của mình sẽ có được một AI đã được giáo dục chứ không phải ông đi làm điều đó, vị cá mập đề nghị 2 tỷ cho 51% cổ phần.

CEO Phùng Ngọc Toàn không đồng ý. Ông cho rằng để training AI giống như người không hề khó và ông có thể làm được điều đó. CEO Ánh Dương cho biết sẽ chia sẻ tối đa 36%. Shark Hưng ngay lập tức nói không vì ông cần kiểm soát được AI và đưa hoàn toàn vào hệ thống của mình. 

CEO tiếp tục ra giá 3 tỷ với 36% cổ phần nhưng Shark Hưng chỉ đồng ý 2 tỷ cho 36%. Ông Phùng Ngọc Toàn đồng ý với cam kết KPI là đạt được con số khách hàng sử dụng thường xuyên hàng tháng là 500 thì Shark Hưng phải trả lại 16% cổ phần cho CEO. 

Theo ông Toàn phân tích, với 500 khách hàng thì sẽ đạt doanh thu ít nhất là 1,2 tỷ/tháng, cam kết đạt được KPI trước Tết 2022. Tuy nhiên, Shark Hưng yêu cầu nếu không đạt được KPI thì lấy toàn bộ công ty. Startup lại ra giá 2 tỷ cho 20%, Shark Hưng lắc đầu.

"Vậy Shark có thể mang lại gì cho tôi ngoài giá trị cộng hưởng là khách hàng?", CEO Phùng Ngọc Toàn hỏi. Shark Hưng chắc chắn ông sẽ xây dựng kịch bản cho AI và giúp AI của Ánh Dương cải thiện trong thời gian ngắn. 

Cuối cùng, hai bên chấp nhận 2 tỷ cho 36% cổ phần nhưng với điều kiện trả lại cổ phần và việc đó sẽ được bàn thảo lại chi tiết sau chương trình. 

Thùy Trang