Vùng du lịch là gì? Đặc điểm
Vùng du lịch
Khái niệm
Vùng du lịch là một hệ thống lãnh thổ kinh tế - xã hội bao gồm một tập hợp các hệ thống lãnh thổ du lịch, thuộc mọi cấp có quan hệ với nhau và các cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo cho sự hoạt động của các hệ thống lãnh thổ du lịch. (Theo Báo cáo tóm tắt qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam 1995 - 2010)
Theo I.I. Pirogionhich:
Vùng du lịch nghỉ dưỡng là một hệ thống lãnh thổ kinh tế - xã hội, là toàn bộ các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc tất cả các cấp. các kiểu và các cơ sở cấu trúc thượng tầng, bảo đảm chức năng của hệ thống lãnh thổ du lịch và có đặc điểm chung của ngành chuyên môn hóa du lịch và những điều kiện kinh tế - xã hội để phát triển du lịch.
Như vậy quan niệm về vùng du lịch của I.I. Pirogionhich và quan niệm về vùng du lịch trong "Báo cáo tóm tắt Qui hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam thời kì 1995 - 2010" về nội hàm có nhiều đặc điểm giống nhau, nó đã phản ánh khách quan và xác thực về đặc điểm của vùng du lịch hơn, được nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế chấp nhận hơn.
Đặc điểm
Trên quan điểm hệ thống, có thể coi vùng du lịch như một tập hợp hệ thống lãnh thổ được tạo nên bởi hai yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau là hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường kinh tế - xã hội xung quanh nhằm đảm bảo cho cả hai hệ thống này hoạt động có hiệu quả.
Hệ thống lãnh thổ du lịch là hạt nhân tạo nên vùng du lịch. Từ hạt nhân này đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và phát triển vùng du lịch trong mối quan hệ với môi trường kinh tế - xã hội, chính trị. Các yếu tố nuôi dưỡng hạt nhân tạo vùng giúp nó cùng với hạt nhân trở thành vùng du lịch.
Trong một hệ thống phân vùng du lịch không thể loại ra những lãnh thổ khác biệt, chúng cần được coi như những phần đất du lịch tiềm năng hay những lãnh thổ mà chức năng du lịch chỉ có ý nghĩa khu vực hoặc địa phương.
Vì vậy, khi phân vùng du lịch cần phải xác định chức năng hoạt động của tất cả các lãnh thổ cũng như vị trí của nó trong hệ thống phân công theo chức năng và lãnh thổ.
Vùng du lịch và vùng kinh tế - xã hội là hai thái cực và thực tế khác nhau. Vùng du lịch là vùng kinh tế ngành, còn cùng kinh tế - xã hội mang tính tổng hợp.
Việc phân vùng du lịch dựa trên lí luận, cơ sở khoa học của phân vùng kinh tế nhưng lại có những nguyên tắc, phương pháp riêng, dựa trên những tiêu chuẩn riêng. Do vậy, ranh giới của vùng du lịch thường không trùng với phân vùng tự nhiên, văn hóa hay kinh tế -xã hội.
(Tài liệu tham khảo: Qui hoạch du lịch, Bùi Thị Hải Yến, NXB Giáo dục Việt Nam)