|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lao động du lịch (Tourism Professional) là gì?

17:23 | 17/02/2020
Chia sẻ
Lao động du lịch (tiếng Anh: Tourism Professional) là một thể nhân mang quốc tịch của một nước thành viên ASEAN được công nhận bởi Hội đồng chứng nhận Nghề Du lịch TPCB.
Lao động du lịch (Tourism Professional) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: collegedekho)

Lao động du lịch

Khái niệm

Lao động du lịch trong tiếng Anh gọi là: Tourism Professional.

Lao động du lịch là một thể nhân mang quốc tịch của một nước thành viên ASEAN được công nhận bởi Hội đồng chứng nhận Nghề Du lịch TPCB.

Nghề du lịch là những vị trí công việc cụ thể trong ngành du lịch được qui định trong Giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN - CATC và Tiêu chuẩn năng lực chung đối với lao động du lịch ASEAN - ACCSTP.

Chứng nhận đề cập đến việc cấp chứng chỉ cho người lao động du lịch có văn bằng và/hoặc những năng lực đáp ứng được các tiêu chuẩn qui định trong Tiêu chuẩn năng lực chung đối với lao động du lịch ASEAN - ACCSTP.

Tiêu chuẩn năng lực chung đối với lao động du lịch ASEAN - ACCSTP là những yêu cầu tối thiểu về tiêu chuẩn năng lực dịch vụ khách sạn và lữ hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về Nghề du lịch giữa các nước thành viên ASEAN.

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) là thỏa thuận quốc tế được xây dựng nhằm mục đích tăng cường hội nhập kinh tế và gia tăng thương mại giữa các quốc gia. Mục đích này được thực hiện bằng việc giảm các trở ngại pháp lí cho sự di chuyển của hàng hóa và dịch vụ.

Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN (NTOs) là các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lí lĩnh vực du lịch của các nước thành viên ASEAN.

Ảnh hưởng của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về Nghề Du lịch MRA - TP đến người lao động du lịch

Hiệp định Du lịch ASEAN năm 2002 (ATA) đã khẳng định nâng cấp giáo dục, chương trình giảng dạy và các kĩ năng du lịch thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn năng lực và các thủ tục chứng nhận nhằm công nhận lẫn nhau về kĩ năng và văn bằng du lịch trong khu vực ASEAN. 

Bên cạnh đó, ATA khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng và phê duyệt khung quốc gia về văn bằng, năng lực và đào tạo. MRA - TP sẽ cung cấp cơ chế thỏa thuận tính tương đương các thủ tục chứng nhận và bằng cấp du lịch trong khu vực ASEAN. 

Khi điều này trở thành hiện thực, các quốc gia ASEAN sẽ thừa nhận bằng cấp du lịch của nhau. Trên cơ sở đó khuyến khích mở cửa, tự do hóa thị trường lao động du lịch của khu vực và thúc đẩy khả năng cạnh tranh của ngành du lịch tại mỗi quốc gia thành viên ASEAN. 

Từ năm 2015, bằng cấp của một lao động du lịch nước ngoài có thể được công nhận bởi các quốc gia thành viên ASEAN khác. 

Nếu như vậy, họ sẽ có đủ điều kiện để làm việc tại một nước sở tại khi họ có chứng chỉ năng lực du lịch có giá trị đối với một chức danh công việc cụ thể trong ngành du lịch theo CATC được Hội đồng chứng nhận nghiệp vụ du lịch (TPCB) của một quốc gia thành viên ASEAN cấp. 

Tính đủ tư cách để làm việc ở một quốc gia sẽ phụ thuộc vào pháp luật và các qui định hiện hành trong nước của nước sở tại.

(Tài liệu tham khảo: Sách hướng dẫn cho người lao động du lịch: Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về Nghề Du lịch, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)

Tuyết Nhi