Truyền thống, tập quán trong quản trị kinh doanh là gì?
Hình kinh hoạ (Nguồn: yourirish)
Truyền thống, tập quán trong quản trị kinh doanh
Khái niệm
Truyền thống, tập quán là một trong những qui luật phổ biến tác động tới một tập thể trong doanh nghiệp.
Truyền thống, tập quán được coi là những giá trị tinh thần, tư tưởng thể hiện trong quá trình tiến hành hoạt động và giao tiếp của tập thể được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, có ảnh hưởng đến hành vi ứng xử trong tập thể.
Tập thể là nhóm chính thức có tổ chức cao, thống nhất, thực hiện mục đích chung, phù hợp với lợi ích xã hội.
Đặc điểm cơ bản của tập thể (Dấu hiệu nhận biết tập thể)
- Có sự thống nhất mục đích hoạt động: Tính thống nhất về mục đích hoạt động gắn bó các thành viên lại với nhau tạo thành ý chí chung của tập thể.
- Có sự thống nhất về tư tưởng: Là sự thống nhất về quan điểm đạo đức, chính trị của đại đa số thành viên tập thể.
- Có sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong tập thể: Đây là đặc điểm quan trọng để đảm bảo và duy trì sự tồn tại của tập thể vì nếu thiếu sự tương trợ, hợp tác lẫn nhau giữa các thành viên thì nhóm người đó sẽ không trở thành tập thể, cũng không có sự thống nhất về hành động và tư tưởng.
- Có sự lãnh đạo tập trung thống nhất: Nhằm phối hợp, điều hòa hoạt động của tập thể, hướng hoạt động của các bộ phận vào thực hiện nhiệm vụ chung của tập thể một cách có hiệu quả nhất.
- Có kỉ luật lao động: Đó là điều kiện cơ bản đảm bảo cho hoạt động của tập thể đạt được mục tiêu mong muốn. kỉ luật mang hai ý nghĩa cơ bản là cho xã hội và cá nhân.
Đặc điểm
Đặc điểm của truyền thống, tập quán
Truyền thống của tập thể nằm trong truyền thống chung của dân tộc, đồng thời phản ánh tính đặc thù riêng của mỗi tập thể.
Đối với tập thể lao động, truyền thống có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục lòng tự hào của mỗi người và là chất xúc tác hòa nhập cá nhân với tập thể, tạo cơ sở cho hoạt động có ý thức của mỗi người trên tinh thần xây dựng.
Truyền thống tập quán trong tập thể lao động còn được thể hiện ở sự kế thừa và phát triển các thế mạnh sở trường của tập thể (bí quyết nghề nghiệp, danh tiếng, uy tín của doanh nghiệp, các sản phẩm truyền thống nổi tiếng...), phát triển bản sắc văn hóa...
Người lãnh đạo tập thể lao động cần phải biết vận dụng triệt để qui luật trên, để duy trì phát huy các truyền thống, kinh nghiệm của tập thể, loại trừ các tập quán, thói quen lạc hậu, không phù hợp với môi trường và điều kiện kinh doanh mới, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho tập thể phát triển mạnh mẽ.
(Tài liệu tham khảo: Đặc điểm và các qui luật tâm lí phổ biến tác động trong tập thể lao động, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)