|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tranh cãi kịch liệt đằng sau bài phát biểu quan trọng nhất nhiệm kì Tổng thống Trump

16:00 | 13/03/2020
Chia sẻ
Trong quá trình soạn thảo nội dung cho bài phát biểu quan trọng nhất nhiệm kì của Tổng thống Donald Trump, các cố vấn cấp cao của ông đã bị chia rẽ sâu sắc về quan điểm. Và chính ông Trump cũng đổ thêm dầu vào lửa khi tự ý sửa bài phát biểu từ đúng thành sai.

Hôm 11/3, trước bài phát biểu quan trọng nhất trong nhiệm kì, Tổng thống Donald Trump đã ngồi trong Phòng Bầu Dục, lắng nghe các trợ lí cấp cao tranh luận xoay quanh vấn đề lệnh cấm nhập cảnh đối với châu Âu có thể gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Các chuyên gia y tế của ông Trump rất kiên quyết. Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, nhóm chuyên gia này cho hay cách tốt nhất để làm chậm tốc độ lây lan của dịch virus corona (COVID-19) là câu giờ bằng cách không cho phép người châu Âu nhập cảnh vào Mỹ, với hi vọng virus có thể suy giảm một cách tự nhiên trong thời tiết ấm hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế cấp cao Larry Kudlow lại phản đối mạnh mẽ ý kiến trên, cho rằng thiệt hại kinh tế sẽ rất cao.

Ông Trump cho phép các trợ lí bàn luận thêm một chút, sau đó dừng cuộc tranh luận. Ông phái một vài người trong nhóm trợ lí này vào Phòng Nội các gần đó và yêu cầu họ quay lại với một kế hoạch mà tất cả đều có thể ủng hộ.

Khi những trợ lí này quay lại và hầu hết mọi người đều tán thành lệnh cấm nhập cảnh, ông Trump đã đồng ý đưa ra lời tuyên bố trước toàn thể nước Mỹ vào khung giờ vàng.

Các cố vấn hiện xem đây là thời khắc quan trọng nhất trong nhiệm kì tổng thống của ông Trump, thời khắc cử tri sẽ quyết định liệu ông có xứng đáng đại diện Đảng Cộng hòa ra tái tranh cử hay không.

Thị trường chứng khoán giảm điểm, bài phát biểu liệu có được xem là thành công?

"Thành hay bại là ở quyết định này", một cố vấn nói. Một người khác cho rằng nếu thị trường chứng khoán giảm điểm so với khi ông Trump nhậm chức, lời tuyên bố khẳng định ông là người có thể giúp nền kinh tế Mỹ đi đúng hướng sẽ bị phá vỡ.

Tổng thống Trump và các cố vấn cấp cao 'chân nọ đá chân kia' trước bài phát biểu quan trọng nhất nhiệm kì hôm 11/3 - Ảnh 1.

Ông Trump phát đi thông báo về lệnh cấm nhập cảnh đối với châu Âu và một số biện pháp kích thích kinh tế hôm 11/3. (Ảnh: New York Times)

Nếu chỉ số chứng khoán thực sự là thước đo mà các cử tri dùng để đánh giá năng lực của ông Trump thì bài phát biểu hôm 11/3 của ông không thể giành được được coi là thành công và khó có thể giúp ông Trump đắc cử nhiệm kì hai.

Hôm 12/3, chỉ số S&P 500 mất gần 10%, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987, ngay cả sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ bơm 1.000 tỉ USD thanh khoản vào thị trường và tăng mua trái phiếu chính phủ Mỹ.

Ông Trump đã thực hiện bài phát biểu về kế hoạch kích thích kinh tế để đối phó với dịch COVID-19 chậm một ngày so với dự định ban đầu. Bài phát biểu được đưa ra sau một loạt các cuộc họp kéo dài cả ngày tại Nhà Trắng và chốt lại bằng quyết định cấm nhập cảnh của ông Trump.

Tuy nhiên, ngoài lệnh cấm nhập cảnh, các biện pháp kinh tế mà ông Trump tuyên bố (gồm nghỉ phép hộ gia đình có hưởng lương và cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn) đều khá khiêm tốn và mơ hồ.

Bài phát biểu dài 10 phút được soạn thảo vội vàng đã trải qua một số hiệu chỉnh vào phút cuối từ ông Trump và một trong các cố vấn cấp cao - ông Stephen Miller, sau khi các trợ lí khác rời khỏi Phòng Bầu dục, theo Bloomberg.

Một trong số các thay đổi có việc xóa câu ông Trump và bà Melania sẽ cầu nguyện và gửi yêu thương đến các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Bản nháp cuối cùng mà các trợ lí nhập vào máy nhắc chữ (TelePrompter) có hai lỗi sai về thực tế và chính ông Trump đã vô tình thêm một lỗi khác bằng cách trộn lẫn câu chữ của mình.

Ông Trump nói với người Mỹ rằng "chúng tôi sẽ đình chỉ toàn bộ chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ trong vòng 30 ngày tới". Điều này là không chính xác.

Tổng thống Trump và các cố vấn cấp cao 'chân nọ đá chân kia' trước bài phát biểu quan trọng nhất nhiệm kì hôm 11/3 - Ảnh 2.

Bài phát biểu được mong chờ của Tổng thống Trump về dịch COVID-19. (Ảnh: Bloomberg)

Khi thông tin chi tiết được công bố vào tối hôm 11/3, lệnh cấm nhập cảnh chỉ áp dụng với khách nước ngoài từng đến châu Âu trong vòng 14 ngày trước. Ông Trump cũng nhầm khi tuyên bố giao thương sẽ bị cắt đứt trong khi thực tế là hàng hóa vẫn có thể đi từ châu Âu đến Mỹ.

Ngoài ra, ông còn tuyên bố các hãng bảo hiểm y tế trên toàn quốc đã đồng ý thanh toán cho cả việc xét nghiệm và điều trị COVID-19, một điều mà đại diện ngành bảo hiểm đã nhanh chóng phủ nhận.

Tuy nhiên, đề xuất quan trọng và gây tranh cãi nhất không đến từ Tổng thống Trump mà từ các chuyên gia y tế trong nhóm chuyên trách về dịch COVID-19 của ông, dẫn đầu là bà Deborah Birx.

Bà Birx đã trình bày chi tiết về số ca nhiễm mới tại Mỹ có thể có liên quan đến châu Âu. Theo bà, nếu lệnh cấm nhập cảnh được áp dụng sớm hơn, một số bang tại Mỹ có thể đã kiểm soát được dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Alex Azar đã ủng hộ bà.

Trong khi đó, Bộ trưởng Mnuchin lại cực lực phản đối, cho rằng không ai tính đến thiệt hại mà lệnh cấm nhập cảnh sẽ gây ra cho nền kinh tế Mỹ, vốn đã bị lung lay vì virus corona hoặc thị trường việc làm có thể suy yếu trong tương lai.

Đến hôm sau, khi thị trường chứng khoán lao dốc, ông Trump đã chia sẻ với báo giới về thông báo của mình.

Tôi đã đưa ra một quyết định rất khó khăn đêm qua. Và liệu quyết định đó có ảnh hưởng đến thị trường hay không là rất quan trọng. Nhưng cũng không quan trọng bằng sinh mạng con người. Thế nên, tôi phải đưa quyết định đó, và thẳng thắn mà nói, những người có chuyên môn khen ngợi tuyên bố của tôi. Và đó là điều tôi phải làm. Tôi nghĩ bạn rồi sẽ thấy kết quả cuối cùng rất tốt

Tổng thống Donald Trump chia sẻ với báo giới hôm 12/3.

Tính đến sáng hôm nay 13/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận hơn 1.300 ca dương tính với virus corona và hơn 36 ca tử vong tại ít nhất 46 tiểu bang.

Yên Khê

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.