Cổ phiếu ông lớn khoáng sản liên tiếp giảm sàn, mất mốc 200.000 đồng/cp
Cổ phiếu Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Mã: KSV) giảm giá trong suốt phiên 25/2, kết phiên kịch biên độ 191.700 đồng/cp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 163.368 đơn vị, trong đó giá sàn chiếm 56%. Vốn hóa thị trường thu hẹp về 38.340 tỷ đồng.
Như vậy, KSV đã giảm sàn hai phiên liên tiếp. Tính từ đỉnh 299.500 đồng/cp lập phiên 17/2, thị giá đã lao dốc 36% sau hơn một tuần. Trước đó, mã này đã gấp 6 lần chỉ trong ba tháng.
Không chỉ KSV, nhiều cổ phiếu cùng ngành cũng giảm sàn phiên 25/2 như KBC, MTA, KCB. Bên cạnh đó, MSR giảm 7,2%, FCM giảm 4,8%, BMC giảm 2,7%.
Nhìn rộng ra, đà tăng của nhóm khoáng sản đã hạ nhiệt trong khoảng 1-2 tuần gần đây, trừ số ít như YBM, MIC.

Tỷ lệ biến động giá từ đầu tháng đến 25/2 của một số cổ phiếu khoáng sản. (Biểu đồ: TradingView).
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhận định diễn biến quay đầu của cổ phiếu khoáng sản gần đây phản ánh tâm lý chốt lời của nhà đầu tư và cũng phù hợp với thực tế khi nhiều cổ phiếu khoáng sản có mức tăng bằng lần, trong khi nội tại doanh nghiệp chưa thể có sự cải thiện tương ứng.
Nhóm cổ phiếu này dự kiến sẽ còn có các phiên biến động mạnh trong thời gian tới. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị nên chờ diễn biến giá ổn định hơn và đánh giá cụ thể triển vọng doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.
Cũng theo nhà phân tích KBSV, những cổ phiếu tăng nóng rồi sau đó giảm mạnh như nhóm khoáng sản không phải lần đầu xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà đầu tư bị FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) và mua vào ở vùng giá cao, dẫn đến thua lỗ khi giá cổ phiếu lao dốc.
Nói về động lực, ông cho rằng cổ phiếu nhóm ngành khoáng sản tăng mạnh trước đó đến từ việc Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt trong sản xuất quân sự và công nghệ cao sang Mỹ.
Với việc Trung siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với đất hiếm, vonfram, gali, germani, antimon và một số nguyên liệu quan trọng khác, đã khiến giá những mặt hàng này tăng vọt, và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu của các doanh nghiệp khai khoáng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguyên nhân không thể không nhắc đến xuất phát từ yếu tố hỗ trợ trong nước, nhờ vào việc Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành khoáng sản.
“Cổ phiếu lĩnh vực khai thác khoáng sản đã sớm có tín hiệu tăng giá ngay từ cuối năm 2024, nhờ hưởng lợi trực tiếp từ những điều kiện trong và ngoài nước”, ông Đức Anh nhận định.