Nếu bỏ 100 triệu đồng mua cổ phiếu khoáng sản cách đây 1 năm, NĐT đã lãi bao nhiêu?
Hiệu suất sinh lời ba con số
Những năm trước đây, lĩnh vực khai thác khoáng sản gần như không thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Các doanh nghiệp chỉ đem về mức lợi nhuận hằng năm ở mức dưới trung bình so với mặt chung trên thị trường, trong khi ông lớn Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Mã: KSV) mới niêm yết vào đầu 2023.
Hơn nữa, thanh khoản nhóm cổ phiếu này duy trì thấp trong phần lớn thời gian, đa số trường hợp do cổ đông Nhà nước nắm giữ gần hết cổ phần.
Tuy nhiên, khai thác khoáng sản bất ngờ nổi lên trong thời gian khoảng 3 - 4 tháng gần đây với những con sóng cổ phiếu tăng phi mã, đi cùng với thanh khoản đột biến.
Đà tăng bắt đầu từ khoảng tháng 11 - 12/2024 và mạnh hơn kể từ cuối tháng 1 đến nay. Tính đến sáng 13/2, KSV và HGM đã có thị giá ba chữ số, lần lượt 251.300 đồng/cp và 379.900 đồng/cp - thuộc nhóm cao nhất trên toàn thị trường chứng khoán.
Ở góc độ giao dịch, nếu mua vào cổ phiếu khai thác khoáng sản, với các đại diện như KSV, HGM, BKC, MTA hay KCB, mức sinh lời có thể đạt từ 211% đến 827%. Đây rõ ràng là hiệu suất vượt trội nếu đặt so với hầu hết các kênh đầu tư phổ biến hiện nay như vàng, bất động sản, tiền điện tử, trái phiếu…
Đơn cử như trường hợp KSV, nếu nhà đầu tư bỏ 100 triệu đồng mua cổ phiếu này vào thời đểm một năm trước sẽ lãi 827%, tương đương lãi 827 triệu đồng. Hay HGM cũng cho mức sinh lời lên đến 727%, tức lãi 727 triệu đồng.
Các hiệu suất này được ước tính dựa trên chênh lệch giá đã điều chỉnh, nghĩa là bao hàm thay đổi sau khi chia cổ tức hoặc phát hành thêm cổ phiếu (nếu có).
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/13/13-2-ks-1-20250213122648135.png)
Hiệu suất sinh lời của một số cổ phiếu khai khoáng sau một năm (đến sáng 13/2). (Nguồn: X.N tổng hợp).
Kết quả kinh doanh 2024 đột biến
Diễn biến tích cực của nhóm này đặt trong bối cảnh kết thúc mùa báo cáo tài chính quý IV/2024, nhiều trường hợp đã ghi nhận lợi nhuận khởi sắc đáng kể.
Ví dụ như Tổng Công ty Khoáng sản TKV có lợi nhuận sau thuế kỷ lục 1.170 tỷ đồng, gấp 7 lần năm trước. Riêng quý IV/2024, lợi nhuận sau thuế đạt 383 tỷ đồng. Tổng Công ty Khoáng sản TKV cho biết nguyên nhân kết quả đi lên nhờ giá bán bình quân năm 2024 các sản phẩm chính của công ty mẹ tăng cao so với 2023, như đồng tấm, vàng, bạc, tinh quặng manhehit..
Tại Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 6/1, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), đã chia sẻ đánh giá về Tổng Công ty Khoáng sản TKV.
Theo ông Sơn, Tổng Công ty Khoáng sản TKV sở hữu nội tại tốt khi có thế mạnh về quyền khai thác mỏ đồng Sin Quyền lớn nhất tại Việt Nam. Quyền khai thác mỏ đã mang lại bức tranh kinh doanh ổn định trong suốt giai đoạn vừa qua.
Ngoài ra, công ty cũng đang quản lý mỏ Đông Pao, dự trữ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bán dẫn. Sự cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc có thể là yếu tố đẩy giá đất hiếm lên cao trong tương lai.
Khoáng sản Bắc Kạn (Mã: BKC) cũng đạt lợi nhuận sau thuế kỷ lục 54 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần năm 2023. Trong đó, quý IV/2024 đóng góp đến 30 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ. Lợi nhuận tăng do thị trường tinh quặng kẽm ổn định, công ty tiếp tục bán tinh quặng kẽm tồn kho.
Tương tự, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (Mã: HGM) kết thúc năm 2024 với lợi nhuận sau thuế gấp 3,4 lần năm 2023, đạt 185 tỷ đồng và cũng cao nhất lịch sử hoạt động.
Sau chuỗi lỗ ba năm 2021 - 2023, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – CTCP (Mã: MTA) quay lại có lãi ròng gần 37 tỷ đồng trong 2024. Biên lợi nhuận gộp cao nhất trong 4 năm, đạt 14,3%.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/13/13-2-ks-2-2025021312270528.png?width=700)
Kết quả kinh doanh 4 năm gần đây của một số doanh nghiệp khai khoáng. (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).
Luật Địa chất và khoáng sản được thông qua
Mặt khác, khai thác khoáng sản và kim loại là lĩnh vực đang được Nhà nước chú trọng. Hồi cuối năm 2024, Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 với nhiều điểm mới.
Trong đó, Luật quy định trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Việc phân nhóm khoáng sản như Luật sẽ cho phép xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản, khoáng sản đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.
Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện.
Luật đã bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, khai thác khoáng sản nhóm IV, quy định rõ khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).
Mới đây, ngày 21/1, tại cuộc tiếp ông Benjamin Gallezot, Đại diện Liên bộ về cung ứng khoáng sản và kim loại chiến lược Pháp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có một số chia sẻ về lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam mới điều tra một số khu vực cho khoáng sản và kim loại chiến lược, cần tiếp tục đánh giá sâu về trữ lượng, cũng như tính toán lộ trình khai thác, chế biến sâu khi lựa chọn và tiếp nhận được công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, cũng như dự báo nhu cầu, làm chủ thị trường…
Cho rằng hai bên cần nghiên cứu phương án hợp tác đạt hiệu quả tổng hợp, lợi ích tổng thể, Phó Thủ tướng đề nghị Liên bộ về cung ứng khoáng sản và kim loại chiến lược Pháp cần làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đối tác của Việt Nam để kết nối, triển khai thí điểm một dự án hợp tác giữa doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp Việt Nam để tiếp nhận, chuyển giao công nghiệp của chuỗi giá trị khai thác, chế biến sâu, cung ứng các sản phẩm khoáng sản và kim loại chiến lược.