Lý giải sóng tăng giá phi mã của cổ phiếu khoáng sản
Phiên 5/2, cổ phiếu của CTCP khoáng Sản và Luyện Kim Cao Bằng (Mã: KCB) tăng trần lên 15.400 đồng/cp. Như vậy, thị giá KCB đã tăng 31% qua một tháng và 105% qua một quý gần nhất.
MTA của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – CTCP tăng 43% qua một tháng gần đây, lên 14.600 đồng/cp. Tính ba tháng gần nhất, cổ phiếu này đã tăng 224%.
Thị giá Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Mã: KSV) đã đạt 193.000 đồng/cp kết phiên 5/2. Mã này lập đỉnh mới sau khi tăng 76% trong một tháng và 273% qua một quý.
Ngoài ra, các đại diện ngành cũng ghi nhận khởi sắc trong một tháng như CTCP khoáng Sản và Luyện Kim Cao Bằng (Mã: KCB), CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (Mã: HGM), CTCP Khoáng sản Bắc Kạn (Mã: BKC)...
Trước đó, diễn biến tích cực của cả nhóm trên bắt đầu từ tháng 12/2024. Đà tăng chững lại trong khoảng nửa đầu tháng 1, đa số cổ phiếu đi ngang hoặc điều chỉnh, sau đó bứt tốc trở lại.
Khai thác khoáng sản và kim loại là lĩnh vực đang được Nhà nước chú trọng. Mới đây ngày 21/1, tại cuộc tiếp ông Benjamin Gallezot, Đại diện Liên bộ về cung ứng khoáng sản và kim loại chiến lược Pháp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có một số chia sẻ về lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam mới điều tra một số khu vực cho khoáng sản và kim loại chiến lược, cần tiếp tục đánh giá sâu về trữ lượng, cũng như tính toán lộ trình khai thác, chế biến sâu khi lựa chọn và tiếp nhận được công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, cũng như dự báo nhu cầu, làm chủ thị trường…
Cho rằng hai bên cần nghiên cứu phương án hợp tác đạt hiệu quả tổng hợp, lợi ích tổng thể, Phó Thủ tướng đề nghị Liên bộ về cung ứng khoáng sản và kim loại chiến lược Pháp cần làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đối tác của Việt Nam để kết nối, triển khai thí điểm một dự án hợp tác giữa doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp Việt Nam để tiếp nhận, chuyển giao công nghiệp của chuỗi giá trị khai thác, chế biến sâu, cung ứng các sản phẩm khoáng sản và kim loại chiến lược, trước hết cho thị trường Việt Nam và Pháp.
Tại Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 6/1, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), đã chia sẻ góc nhìn về cổ phiếu Tổng Công ty Khoáng sản TKV.
Theo ông Sơn, Tổng Công ty Khoáng sản TKV sở hữu nội tại tốt khi có thế mạnh về quyền khai thác mỏ đồng Sin Quyền lớn nhất tại Việt Nam. Quyền khai thác mỏ đã mang lại bức tranh kinh doanh ổn định trong suốt giai đoạn vừa qua.
Ngoài ra, công ty cũng đang quản lý mỏ Đông Pao, dự trữ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bán dẫn. Sự cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc có thể là yếu tố đẩy giá đất hiếm lên cao trong tương lai.
“Nhìn lại năm 2024, một số nhóm cổ phiếu như bán lẻ, Viettel đã có đà tăng rất mạnh mẽ nhờ có câu chuyện riêng. Theo đó, cổ phiếu KSV sẽ là cổ phiếu tương tự nhờ yếu tố, lợi thế riêng”, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS nhận định.
Mặt khác, kết thúc mùa báo cáo tài chính quý IV/2024, nhiều trường hợp doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã ghi nhận lợi nhuận khởi sắc đáng kể.
Ví dụ như Tổng Công ty Khoáng sản TKV có lợi nhuận sau thuế kỷ lục 1.170 tỷ đồng, gấp 7 lần năm trước. Riêng quý IV/2024, lợi nhuận sau thuế đạt 383 tỷ đồng.
Tổng Công ty Khoáng sản TKV cho biết nguyên nhân kết quả đi lên nhờ giá bán bình quân năm 2024 các sản phẩm chính của công ty mẹ tăng cao so với 2023, như đồng tấm, vàng, bạc, tinh quặng manhehit
Khoáng sản Bắc Kạn cũng đạt lợi nhuận sau thuế kỷ lục 54 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần năm 2023. Trong đó, quý IV/2024 đóng góp đến 30 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ. Lợi nhuận tăng do thị trường tinh quặng kẽm ổn định, công ty tiếp tục bán tinh quặng kẽm tồn kho.
Tương tự, Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang kết thúc năm 2024 với lợi nhuận sau thuế gấp 3,4 lần năm 2023, đạt 185 tỷ đồng và cũng cao nhất lịch sử hoạt động.