|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Trái phiếu Hồi giáo (Sukuk) là gì? Lợi ích và rủi ro mà Sukuk mang lại

12:00 | 03/01/2020
Chia sẻ
Sukuk là giấy chứng nhận tài chính và xác định trái phiếu không lãi suất, tương tự như trái phiếu trong tài chính phương Tây, tuy nhiên trái phiếu này đem lại mức thu nhập cố định theo hệ thống qui tắc Shariah.
Trái phiếu Hồi giáo (Sukuk) là gì? Lợi ích và rủi ro mà Sukuk mang lại  - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Tehran Times

Trái phiếu Hồi giáo

Khái niệm

Trái phiếu Hồi giáo trong tiếng Anh là Sukuk hoặc Islamic bond.

Sukuk là giấy chứng nhận tài chính và xác định trái phiếu không lãi suất, tương tự như trái phiếu trong tài chính phương Tây, tuy nhiên trái phiếu này đem lại mức thu nhập cố định theo hệ thống qui tắc Shariah. 

Sukuk đại diện cho quyền sở hữu của một tài sản hay hoa lợi, nó không chỉ đơn giản là quyền đối với dòng tiền mà còn cả quyền sở hữu với tài sản, đây cũng là sự khác biệt so với các loại trái phiếu thông thường khác.

Cũng như trái phiếu thông thường, Sukuk được coi là một hợp đồng nợ buộc người bán phải trả cho người mua khoản lãi tại một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, tại một thời điểm nhất định, Sukuk cho phép người mua được quyền định đoạt theo tỷ lệ nắm giữ. Một điểm khác biệt đặc trưng của Sukuk so với các trái phiếu thông thường là Sukuk được thể hiện dưới dạng giấy tờ chứng nhận số tiền đã mua nợ.

Đặc điểm của Sukuk

Điểm khác biệt cơ bản của Sukuk so với các loại hình trái phiếu thông thường là phát hành Sukuk phải tuân thủ theo nguyên tắc tài chính Hồi giáo (Shariah - hệ thống qui tắc đạo Hồi). 

Theo Luật Hồi giáo, mọi hoạt động vay và cho vay bị cho là có hại về đạo đức, xã hội và đều bị cấm. Các cá nhân phải sử dụng một cách thận trọng tài sản của mình, không được đầu cơ nhưng cũng không được để tài sản nhàn rỗi hay lãng phí. Người theo đạo Hồi phải có nghĩa vụ đóng góp một phần tài sản của họ cho những bộ phận nghèo túng trong xã hội Hồi giáo. Tất cả các quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đầu tư phải được minh bạch và rõ ràng.

Sukuk quốc tế (trái phiếu hồi giáo quốc tế) được phát hành bởi các quốc gia khác nhau, được giao dịch chủ yếu trên các thị trường thứ cấp phát triển và khá thành công trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia.

Cấu trúc Sukuk 

Sukuk là một sản phẩm tài chính tuân thủ qui tắc Shariah. Sukuk được phát hành dưới hình thức trái phiếu hồi giáo phương tây và được chào bán cho các nhà đầu tư tổ chức của Mỹ và một số nước châu Âu với khối lượng ngày càng tăng. 

Nhà đầu tư coi đây là một trong những bước đi tốt nhất để đa dạng hóa danh mục đầu tư và thu lợi nhuận cao hơn tại thị trường các nước mới nổi khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi. Sukuk chủ yếu được phát hành với thời hạn từ 3 tháng (T-Bill) đến 5 hay 10 năm. 

Các giao dịch Sukuk phải phù hợp với qui tắc Shariah do chúng được phát hành trên cơ sở các tài sản thực như đất đai, nhà cửa, công trình… Sukuk cơ bản được phát hành thông qua một tổ chức tài chính chuyên biệt (Special Purpose Vehicle - SPV). 

SPV mua tài sản cơ sở từ tổ chức phát hành và phát hành chứng chỉ Sukuk dựa trên các tài sản đó cho người nắm giữ Sukuk. SPV do đó là bên trung gian giữa bên sở hữu tài sản và nhà đầu tư, chịu trách nhiệm duy trì giao dịch và giải ngân cho các bên tham gia.

Lợi ích và rủi ro của Sukuk

Sukuk là một loại trái phiếu có tính “lỏng” cao, do đó nó mang lại các lợi ích cho người nắm giữ như việc có thể giao dịch dễ dàng trên các thị trường vốn, mang lại lợi nhuận ổn định trong trung và dài hạn cho nhà đầu tư cũng như dễ dàng dự báo được khả năng dòng tiền thu nhập trong tương lai. 

Tuy nhiên, Sukuk cũng phải đối mặt với những rủi ro. 

Thứ nhất là các rủi ro thị trường như rủi ro lãi suất, tỷ giá, giá cổ phần và rủi ro hàng hóa. Rủi ro lãi suất được hiểu trong trường hợp tỷ lệ lãi suất Sukuk là cố định trong khi lãi suất thị trường biến động; rủi ro tỷ giá xảy ra khi tỷ giá biến động bất thường không dự báo được; rủi ro giá vốn/cổ phần xảy ra khi trái phiếu Sukuk không thể giao dịch được và rủi ro hàng hóa xảy ra trong trường hợp tài sản cơ sở bị tổn thất. 

Thứ hai là rủi ro tín dụng và các bên liên quan do hạn chế của Luật Tài chính Hồi giáo giới hạn các công cụ giao dịch phái sinh và cơ chế quản lý rủi ro tín dụng khác nhau. 

Thứ ba là rủi ro hoạt động từ việc không thực hiện cung cấp các hàng hóa đã cam kết trong các hợp đồng Salam và Istisna, hay phân phối hàng hóa không đúng chất lượng và số lượng đã cam kết trong hợp đồng. 

Thứ tư là rủi ro liên quan đến qui tắc Shariah yêu cầu các bên tham gia thực hiện hợp đồng luôn nằm dưới sự giám sát của Ủy ban Giám sát Shariah.

(Theo SSC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

Hải Miên