|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tổ chức Liên Chính phủ (Inter-governmental organization - IGOs) là gì?

10:06 | 25/11/2019
Chia sẻ
Tổ chức Liên Chính phủ (tiếng Anh: Inter-governmental organization; viết tắt: IGOs) là hiệp hội các quốc gia được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế, có văn kiện thành lập và các cơ quan chung, có tư cách pháp nhân độc lập...
1622836_IGO

Hình minh họa (Nguồn: abbreviations.com)

Tổ chức Liên Chính phủ (Inter-governmental organization)

Khái niệm

Tổ chức Liên Chính phủ trong tiếng Anh là Inter-governmental organization; viết tắt là IGOs.

Theo nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật Quốc tế năm 1956, tổ chức liên chính phủ được định nghĩa là "hiệp hội các quốc gia được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế, có văn kiện thành lập và các cơ quan chung, có tư cách pháp nhân độc lập tách biệt với tư cách pháp nhân của các quốc gia thành viên".

Nội dung về Tổ chức Liên Chính phủ

Các chủ thể tham gia

Với tư cách là một trong các chủ thể của luật quốc tế, tổ chức quốc tế liên chính phủ có quyền năng của một chủ thể luật quốc tế, có hệ thống các cơ quan đề duy trì hoạt động thường xuyên theo đúng mục đích, tôn chỉ hoạt động.

Về nguyên tắc, chỉ quốc gia có chủ quyền mới có thể trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức liên chính phủ, qua đó có quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một quốc gia thành viên. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có các chủ thể khác là các tổ chức liên chính phủ khác và các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập nhưng những chủ thể này thường tham gia với tư cách là quan sát viên, được tham dự các cuộc thảo luận liên quan đến mình.

Điều ước quốc tế thành lập các tổ chức này được kí kết giữa các quốc gia thành viên và chứa đựng các nguyên tắc hoạt động của tổ chức đó, có vai trò như một bản hiến pháp đối với các quốc gia. 

Các điều ước quốc tế này có nhiều tên gọi khác nhau: Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố Bangkok thành lập ASEAN... Tuy nhiên về bản chất các văn kiện này đều có ý nghĩa là điều lệ của tổ chức quốc tế đó, trong đó qui định các mục đích, nguyên tắc, cơ cấu tổ chức và hoạt động của tổ chức quốc tế đó.

Tư cách pháp nhân của các tổ chức liên chính phủ có tính chức năng được giới hạn bởi phạm vi thực thi quyền hạn theo đúng mục đích được qui định trong văn kiện thành lập. 

Mặt khác, quyền năng chủ thể của các tổ chức liên chính phủ thể hiện ở khả năng của các tổ chức này trong việc tham gia vào các quan hệ pháp luật quốc tế với tư cách chủ thể độc lập. Trong khi quyền năng chủ thể của quốc gia là quyền năng tuyệt đối trên cơ sở chủ quyền thì quyền năng của các tổ chức liên chính phủ là quyền năng phái sinh và hạn chế.

Ý nghĩa

Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hợp tác trở nên nổi trội, số lượng các tổ chức liên chính phủ được thành lập ngày càng nhiều nhằm điều phối và thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các quốc gia. 

Điều này phù hợp với lập luận của các nhà tân tự do khi họ cho rằng việc hình thành các tổ chức quốc tế liên chính phủ là nhu cầu tất yếu bởi các tổ chức này giúp góp phần giảm tình trạng "thông tin bất đối xứng", qua đó giúp các quốc gia hiểu rõ nhau hơn và có thể xây dựng các kì vọng về hành vi của nhau. 

Các tổ chức này cũng giúp giảm chi phí giải quyết các vấn đề chung và tạo ra một khuôn khổ mang tính pháp lí để điểu chỉnh hành vi của mỗi chủ thể tham gia chính trị quốc tế. Trong bối cảnh vô chính phủ của hệ thống quốc tế, các tổ chức liên chính phủ toàn cầu như Liên Hiệp Quốc cũng là một cách tiếp cận giúp tiến tới mô hình quản trị toàn cầu được kì vọng sẽ hình thành trong tương lai.

(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2018)

TH

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I tiếp tục ghi nhận sự xáo trộn lớn khi có đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.