|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

An ninh con người (Human Security) là gì? Nội dung các thành tố chính về An ninh con người

09:18 | 25/11/2019
Chia sẻ
An ninh con người (tiếng Anh: Human Security) lầu đầu tiên được nêu lên trong Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 1994.
seguros

Hình minh họa (Nguồn: (infovaticana.com)

An ninh con người (Human Security)

Khái niệm

An ninh con người trong tiếng Anh là Human Security.

Khái niệm "an ninh con người" lầu đầu tiên được nêu lên trong Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 1994. 

Theo UNDP, khái niệm an ninh từ lâu được các nước hiểu theo nghĩa hẹp là an ninh quốc gia, đóng gói trong phạm vi các mối đe dọa đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hay các vấn đề gắn liền với sự sinh tồn của một quốc gia như chiến tranh, chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí hạt nhân...

UNDP cho rằng trong nhận thức về an ninh của mình, các quốc gia đã không lưu tâm tới những mối lo lắng chính đáng về an ninh của những người dân bình thường trong cuộc sống thường nhật của họ. Chính vì vậy tổ chức này đã đề ra khái niệm "an ninh con người", bao gồm 7 thành tố chính: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng, và an ninh chính trị.

Nội dung các thành tố chính về An ninh con người

+ An ninh kinh tế: bảo đảm mức thu nhập cơ bản của con người (thông qua các công việc trong khu vực kinh tế tư nhân hay nhà nước, công việc làm công ăn lương hay từ phúc lợi xã hội của chính phủ). Mối đe doạ chính của an ninh kinh tế chính là tình trạng đói nghèo. 

+ An ninh lương thực: đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận nguồn lương thực cơ bản để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cho một cuộc sống hiệu quả và khoẻ mạnh. 

Nguồn lương thực sẵn có để cung cấp là điều cần thiết nhưng chưa phải là một điều kiện đủ để đảm bảo an ninh lương thực vì con người vẫn có thể chết đói vì không có khả năng tiếp cận đến nguồn lương thực do hệ thống phân phối không hiệu quả hay con người thiếu khả năng mua hàng và sản xuất cho chính bản thân họ sử dụng. 

+  An ninh y tế: đảm bảo sức khỏe cho mọi người dân. Sức khoẻ là một trong những nhân tố quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh. Ở các nước đang phát triển, bệnh truyền nhiễm và kí sinh là nguyên nhân gây nên cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Bệnh tật cũng gắn liền với điều kiện sống không an toàn như ảnh hưởng từ nguốn nước hay nguồn lương thực thiếu dưỡng chất. 

Còn ở các nước phát triển nhân tố chính gây tử vong là ung thư và những bệnh liên quan đến hệ tuần hoàn máu (liên quan đến lối sống). Mối đe doạ về bệnh tật và tổn thương sức khoẻ đặc biệt lớn hơn đối với những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở cả các nước phát triển và đang phát triển. 

+  An ninh môi trường: bảo vệ con người trước các mối đe doạ từ môi trường. Các mối đe dọa từ môi trường được chia làm hai loại: thiên tai như lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần...và do con người gây ra bao gồm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí, chặt phá rừng. Hiện tượng biến đổi khí hậu và những thảm hoạ sinh thái bắt nguồn trực tiếp phần lớn từ hoạt động của con người.

+ An ninh cá nhân: bảo vệ các cá nhân trước các hành vi bạo lực. Ở các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển, cuộc sống con người đều bị đe doạ bởi các hành vi bạo lực không thể dự đoán trước được.

Một số hình thức đe doạ bạo lực bao gồm: đe dọa từ nhà nước (tra tấn, lao động khổ sai); đe dọa từ các quốc gia khác (chiến tranh, xung đột vũ trang giữa các nhóm xuyên biên giới); đe dọa từ các nhóm người khác (căng thẳng và xung đột sắc tộc);

Đe dọa từ các cá nhân hoặc băng nhóm chống lại các cá nhân và băng nhóm khác (tội phạm, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bạo lực đường phố); đe dọa trực tiếp đối với phụ nữ và trẻ em (bạo lực trong gia đình, lạm dụng trẻ em)...

+ An ninh cộng đồng: Con người cảm thấy an toàn hơn khi họ là thành viên của một nhóm nào đó – như trong một gia đình, cộng đồng, tổ chức, nhóm sắc tộc hay dân tộc. Nếu một nhóm hay cộng đồng được an toàn thì tạo nên an ninh của thành viên trong cộng đồng ấy. Mối đe doạ đến an ninh cộng đồng xuất phát từ các tập quán đàn áp, trọng nam khinh nữ hay phân biệt sắc tộc, xung đột vũ trang, hay các tổ chức phiến quân. 

+ An ninh chính trị: Một trong những khía cạnh quan trọng của an ninh con người gắn liền với sự đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản của con người khi họ sinh sống trong một xã hội. Đảm bảo an ninh chính trị là bảo vệ con người không phải chịu sự đàn áp, ngược đãi, đe doạ hay xâm hại của các lực lượng chính trị nhà nước hay của các nhà cầm quyền.

(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2018)

TH