Tình hình tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA của Việt Nam năm 2019
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2019 đạt 47,55 tỉ USD và chiếm 37,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA.
Tỉ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa (Certificate of origin - C/O) ưu đãi tương đối ổn định, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.
Trong năm 2019, đã có hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp (bao gồm theo FTA và GSP), với trị giá 61,19 tỉ USD, tăng 14% về trị giá và tăng 10% về số lượng bộ C/O so với năm 2018.
Về kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với trị giá 13 tỉ USD.
Tiếp đó là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc và ASEAN với trị giá lần lượt 9,82 tỉ USD và 8,87 tỉ USD.
Lượng hàng hóa xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan từ Việt Nam sang thị trường Lào và Campuchia có kim ngạch không đáng kể.
Về tỉ lệ tận dụng ưu đãi FTA: Chile chiếm tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ VCFTA cao nhất với 67,72%; đứng tiếp theo là Ấn Độ và Hàn Quốc với tỉ lệ tận dụng lần lượt là 65,13% và 49,78%; tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ Lào (9,59%) và Campuchia (0,01%) không cao do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp thường tận dụng ưu đãi trực tiếp từ Hiệp định ATIGA.
Tính chung tỉ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2018 là 37,2%, giảm 1,8% so với năm 2017 (39%).
Tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ thị trường các nước CPTPP chỉ đạt dưới 2% do chủ yếu chỉ có hai thị trường mới có FTA với Việt Nam là Canada và Mexico.
Một số thị trường nhập khẩu lớn đã có FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Australia, New Zealand ít tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP do quy tắc xuất xứ CPTPP chặt hơn và mức cắt giảm thuế quan theo cam kết trong CPTPP không bằng các FTA đã có.
Ngoài ra, Canada cho phép nhà sản xuất, người xuất khẩu hoặc người nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ, không cần cơ quan có thẩm quyền cấp C/O.
Vì vậy, tỉ lệ tận dụng ưu đãi CPTPP chưa phản ánh đúng tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu sang Canada được hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP
Cơ cấu mặt hàng
Trong nhóm hàng công nghiệp, mặt hàng giày dép có tỉ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA rất cao (91,52%) với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 4,76 tỉ USD, tăng 23,31% so với năm 2018.
Nhựa và các sản phẩm nhựa đứng thứ hai với tỉ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA đạt 71,66%; có kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi 1,95 tỉ USD, tăng 8,93% so với năm 2018.
Tiếp đó là sản phẩm dệt may với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 8,1 tỉ USD, chiếm tỉ lệ 66,85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này (hơn 12 tỉ USD) sang các thị trường có FTA và tăng 7,66% so với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi của mặt hàng này năm 2018.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản cũng có tỉ lệ sử dụng ưu đãi tương đối tốt như thủy sản (65,25%), cao su và các sản phẩm từ cao su (63,34%), hạt tiêu và cà phê đều trên 50%.
Tỉ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các hiệp định thương mại của Việt Nam qua các năm
ASEAN: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
ACFTA: Hiệp định về Thương mại Hàng hóa ASEAN – Trung Quốc
AKFTA: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc
VKFTA: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc
AANZFTA: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia/New Zealand
AJCEP: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản
VJEPA: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản
VCFTA: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Chile
AIFTA: Hiệp định về Thương mại Hàng hóa ASEAN – Ấn Độ
VN – EAEU FTA: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan)
Lào: Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam - Lào
Campuchia: Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam - Campuchia
CPTPP: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương