Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile
Thông tin cơ bản về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile
Thời gian kí: ngày 11/11/2011.
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA) đề cập đến khía cạnh hàng hóa, như các qui định về tạo thuận lợi cho tiếp cận thị trường, qui tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật, rào cản kĩ thuật, phòng vệ thương mại,...
Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ 87,8% số dòng thuế (91,22% kim ngạch nhập khẩu tại thời điểm 2007) cho Chile trong vòng 15 năm.
Đổi lại, Chile sẽ xóa bỏ thuế quan cho 99,62% kim ngạch xuất khẩu (ở thời điểm năm 2007) của Việt Nam trong vòng 10 năm, trong đó 81,8% kim ngạch và 83,54% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế ngay và nhanh từ mức 6% là dệt may (203 dòng thuế giảm ngay về 0%, 17 dòng thuế giảm 0% sau 5 năm), thủy sản (36 dòng thuế giảm ngay về 0%, 28% dòng thuế giảm 0% sau 5 năm), thủy sản, cà phê, chè, máy tính và linh kiện (giảm thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực)
Qui tắc xuất xứ của hiệp định cũng tương đối đơn giản, đa số hàng hóa chỉ cần có tỉ lệ nguyên vật liệu được sản xuất từ các nước thành viên (Việt Nam hoặc Chile) chiếm từ 40% trở lên hoặc qua chuyển đổi mã HS ở cấp 4 số là được hưởng ưu đãi thuế quan.
Chile là nước Mỹ La tinh đầu tiên Việt Nam kí kết FTA và đây cũng là FTA thứ 8 mà Việt Nam ký kết. Còn Chile hiện đã có tới 25 FTA, mua bán với các nước FTA chiếm tới 90% thương mại của nước này.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Chile trong 5 năm qua tăng trung bình 26,8%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Chile tăng trên 41%. Kí kết FTA này ngoài mục đích tăng cường tiếp cận thị trường Chile còn là cơ hội để hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường khác trong khu vực Mỹ La tinh rộng lớn.
Cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam
Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 87,8% số dòng thuế (chiếm 91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chi Lê năm 2007).
Trong vòng 15 năm, dự kiến lộ trình cuối cùng vào 2029, số dòng thuế không cam kết của Việt Nam hoặc chỉ cam kết cắt giảm một phần chiếm 12,2%, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, xăng dầu,…
Đến năm 2023, Việt Nam cam kết xóa bỏ thêm 1163 dòng thuế so với thời điểm ban đầu, nâng tổng số dòng thuế có thuế suất 0% lên 3860 dòng, tương đương 42,42% toàn biển.
Tốc độ cam kết xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định VCFTA sẽ được đẩy mạnh trong 5 năm cuối của Hiệp định đạt mức cam kết tối đa 87,8% vào năm 2028. Nhóm hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan là hóa chất, gỗ, nguyên liệu dệt may, máy móc, thịt gà, cam, quýt, rượu vang, thủy sản, bia, thép xây dựng,…
Để thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong Hiệp định VCFTA, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 162/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2016. Việt Nam cam kết xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực là 2697 dòng, tương đương 29,64% biểu thuế.
Cam kết cắt giảm thuế của Chile
Chile có mức độ mở cửa lớn hơn đối với hàng hóa của Việt Nam. Theo đó, 83,54% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 81,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile năm 2007.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế ngay và nhanh từ mức 6% hiện tại là dệt may, thủy sản, cà phê, chè, máy tính và linh kiện.
Đến 2029, Chile sẽ xóa bỏ hầu hết các dòng hàng từ Việt Nam, chiếm 99,62% biểu thuế và tương đương với 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile năm 2007.
Cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu
Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ Việt Nam sang Chile gồm có giày dép các loại, hàng may mặc, gạo, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ…
Thị trường Chile có nhu cầu cao về các mặt hàng thiết yếu này nhưng nhân lực sản xuất lại rơi vào tình trạng dân số già nên điều kiện phát triển còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống người dân Chile trong những năm gần đây được cải thiện đáng kể dẫn đến sức mua khá cao.
Do vậy, VCFTA có hiệu lực sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng cơ bản, thiết yếu từ Việt Nam sang thị trường này.
Ngoài ra, thị trường Chile chưa đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU và cũng chưa từng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh nhiều với hàng giá rẻ từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn độ và các nước trong khu vực như Peru, Paraguay, Uruguay, Bolivia và Colombia.
Chi tiết về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile