VDSC: Xuất nhập khẩu năm 2022 có nhiều dư địa tăng trưởng
Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhìn lại năm 2021, xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 336 tỷ USD tăng 19%; nhập khẩu đạt 332 tỷ USD, tăng 26,5%.
Cán cân thương mại năm 2021 ghi nhận xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Đây là năm thứ 6 Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu, chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Mỹ (xuất siêu khoảng 80 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 23,2 tỷ USD).
Năm 2021, 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 94% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm khoảng 86% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2020.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thép tăng mạnh nhất với 123%, tiếp đến là sản phẩm máy móc thiết bị tăng 41% và sản phẩm gỗ tăng 20%.
Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp đại dịch bùng phát, trong đó, xuất khẩu điện thoại và máy tính lần lượt tăng 12,4% và 14,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, dệt may và da giày là hai nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng đã có sự phục hồi, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng, lần lượt 9,8% và 4,9% so với năm 2020.
VDSC dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thế giới sẽ đạt đỉnh và các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong suốt năm 2022, tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ duy trì trên mức tiềm năng.
Mặc dù, Chính phủ các nước đang rút dần các gói hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch, chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ giữ mức lãi suất ở mức tương đối dễ chịu trong khi một số biện pháp kích thích tài khóa bổ sung dự kiến sẽ đến từ Nhật Bản và các nước phát triển khác (EU và Mỹ).
Ngoài ra, hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ tháng 1 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại của Việt Nam.
Vào năm 2022, EVFTA có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU tích cực hơn vì khu vực kinh tế đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn kỳ vọng.
Nhìn chung, các hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm sau, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài ngày càng tăng và các thỏa thuận thương mại như EVFTA, UKVFTA và RCEP.
Tuy nhiên, VDSC dự báo năm 2022 tăng trưởng xuất khẩu thị trường sang Trung Quốc và Mỹ có thể chững lại. Trong khi, xuất khẩu sang các nước khác sẽ tiếp tục cải thiện nhờ sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, triển vọng năm 2022 vẫn đối mặt với rủi ro khi các biến thế mới của COVID-19 có thể kháng vắc xin, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sản xuất của các nhà xuất khẩu Việt Nam.