Bộ Công Thương: Mục tiêu xuất khẩu năm 2022 tăng 8%
Năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, bảo hộ mậu dịch gia tăng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng mạnh với kim ngạch ước đạt gần 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, vượt 5% so với kế hoạch. Đồng thời, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Sau một thời gian dài duy trì xuất siêu, trong những tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại đã chuyển sang nhập siêu do sản xuất và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn bởi sự dùng phát của dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4.
Nhập khẩu có xu hướng tăng cả về lượng (do nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng để đón đầu sự phục hồi cầu hàng hóa tại các thị trường) và giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao.
Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2021 cho đến cuối năm, xuất khẩu được phục hồi sau thời gian dài các hoạt động sản xuất bị gián đoạn do thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, nhất là tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, cán cân thương mại bắt đầu xuất siêu từ tháng 10.
Tính chung cả năm 2021, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Đây là năm thứ 6 Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu, chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Mỹ (xuất siêu khoảng 80 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 23,2 tỷ USD).
Mặc dù, xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 247,5 tỷ USD tăng 21%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 88,7 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 28%).
Lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm (cà phê, chè, hạt tiêu, gạo) do gặp khó khăn về thị trường. Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.
Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Vì vậy, phát triển xuất khẩu của ta chưa thực sự bền vững, khi hàng hóa trên thị trường biên động sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung.