|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu tăng vọt, đẩy kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tiệm cận 1 tỷ USD

09:27 | 09/01/2022
Chia sẻ
Dù sản lượng xuất khẩu tiêu giảm nhẹ song kim ngạch vẫn tăng 42%, đạt 938 triệu USD nhờ diễn biến tích cực của giá tiêu. Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá tiêu xuất khẩu năm 2022 sẽ duy trì ở mức cao do nguồn cung khan hiếm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 12/2021 xuất khẩu tiêu đạt 15 nghìn tấn, trị giá 71 triệu USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 7% về trị giá so với tháng 11.

Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu tiêu của Việt Nam ước đạt 261 nghìn tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020.

Giá tiêu tăng vọt, đẩy kim ngạch xuất khẩu năm 2021 lên gần 1 tỷ USD - Ảnh 1.

(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Theo đó, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 4.703 USD/tấn, tăng mạnh 70% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung cả năm 2021, giá tiêu xuất khẩu đạt 3.593 USD/tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020. Với diễn biến tích cực này, giá tiêu xuất khẩu năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung khan hiếm, nhiều nước sản xuất chính có thể bị mất mùa. 

Giá tiêu tăng vọt, đẩy kim ngạch xuất khẩu năm 2021 lên gần 1 tỷ USD - Ảnh 2.

(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Cục Xuất nhập khẩu cho biết xuất khẩu tiêu năm 2021 có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu thị trường.

Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sang các thị trường Mỹ, EU, các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Pakistan tăng trong trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ASEAN giảm mạnh.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định năm 2022, ngành hạt tiêu tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam.

Theo đó, tình hình kinh tế Mỹ đang có tín hiệu phục hồi, kéo theo nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tăng.

Dù Mỹ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ một số nước sản xuất như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, tuy nhiên lượng nhập khẩu vẫn ở mức thấp. Trong khi, hạt tiêu Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh, giữ vững thị phần ở thị trường này.

Ở một khía cạnh khác, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu năm 2021 cũng có sự thay đổi lớn. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại đã qua sơ chế hoặc chế biến chuyên sâu.

Ngoài ra, ngành hạt tiêu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhằm phục vụ cho ngành sản xuất mỹ phẩm, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người, khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu sử dụng làm gia vị cho các món ăn tại nhà hàng, khách sạn giảm.

Hoàng Anh