|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năm 2021: Ngành hồ tiêu hồi sinh

15:49 | 21/12/2021
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu của hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2021 ước tính tăng vọt 43,8% so với năm 2020 dù lượng xuất khẩu giảm gần 9%. Các chuyên gia dự báo giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm tới do được thúc đẩy bởi nhu cầu ở mức cao trong khi sản lượng dần thu hẹp.

Giá hồ tiêu năm 2021 cao nhất 4 năm

Năm 2021 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trở lại của ngành hồ tiêu Việt Nam sau 4 năm vật lộn với khó khăn do nguồn cung dư thừa, giá liên tục lao dốc.

Ngay từ đầu năm nay, giá mặt hàng này đã tăng một mạch 40 - 44% từ 51.000 – 53.000 đồng/kg từ giữa tháng 2 lên mức 76.000 – 79.500 đồng/kg vào ngày 19/3 dù đang trong vụ thu hoạch hồ tiêu.

Sau đó đỉnh điểm là đợt tăng giá lên đến 90.000 đồng/kg vào cuối tháng 10, mức cao nhất kể từ cuối năm 2017.

Xen kẽ giữa 2 đợt tăng giá này là những đợt điều chỉnh lên xuống và tính đến đến thời điểm giữa tháng 12 giá tiêu đã giảm về lại mức 79.500 – 82.000 đồng/kg do nhu cầu của thị trường Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng, trong khi dòng tiền cũng chuyển sang thị trường cà phê khi giá mặt hàng này chạm đỉnh 10 năm.

Mặc dù thị trường đang khá trầm lắng vào thời điểm cuối năm và giá đã trượt xa khỏi mốc 90.000 đồng/kg cũng như mức kỳ vọng 100.000 đồng/kg, nhưng nhìn chung năm 2021 vẫn là một năm thắng lợi toàn diện của ngành hồ tiêu.

Mức giá ở thời điểm hiện tại cao hơn 53 – 54% so với đầu năm nay và cao hơn nhiều những năm gần đây. Qua đó chấm dứt chuỗi giảm giá trong 4 năm liên tiếp và báo hiệu một chu kỳ tăng giá mới của ngành hồ tiêu.

Nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu tăng mạnh trong năm qua là diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm do giá tiêu xuống quá thấp trong những năm trước, người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, số khác chuyển sang các loại cây trồng khác. 

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng làm giảm sản lượng hồ tiêu của Việt Nam.

Xuất khẩu hồ tiêu thắng lợi lớn, chu kỳ tăng giá dự kiến tiếp tục trong năm 2022 - Ảnh 1.

Số liệu tổng hợp (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản

Nhờ giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu của ngành hồ tiêu đạt cao nhất kể từ năm 2018 với tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, góp phần không nhỏ đưa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản về đích sớm trong năm nay.

Xuất khẩu hồ tiêu thắng lợi lớn, chu kỳ tăng giá dự kiến tiếp tục trong năm 2022 - Ảnh 2.

Tương quan về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của hồ tiêu với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác trong 11 tháng năm 2021. (Số liệu từ Tổng cục Hải quan. Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong 11 tháng dù giảm 7% về lượng so với năm ngoái, đạt 245.975 tấn nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 54,6% nên trị giá xuất khẩu vẫn tăng 43,8% (tương ứng tăng 264 triệu USD), đạt 867,2 triệu USD.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 260.000 tấn hồ tiêu, với kim ngạch 950 triệu USD, giảm 9% về lượng nhưng tăng 43,8% về kim ngạch so với năm 2020.

Xuất khẩu hồ tiêu thắng lợi lớn, chu kỳ tăng giá dự kiến tiếp tục trong năm 2022 - Ảnh 3.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan và ước tính của VPA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Hồ tiêu Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu với việc cung cấp 60% nhu cầu tiêu dùng của thế giới, bỏ xa các nước xuất khẩu hồ tiêu khác như Brazil, Indonesia…

Không những vậy, chất lượng hồ tiêu cũng ngày càng được nâng cao, cơ cấu chủng loại xuất khẩu chuyển dần sang các loại tiêu có hàm lượng chế biến cao thay vì xuất khẩu thô như trước đây.

Hiện tiêu đen nguyên hạt vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất nhưng tỷ trọng trong tổng xuất khẩu đã giảm xuống còn 65 - 70% so với khoảng 80% so với trước.

Thay vào đó, tỷ trọng tiêu đen xay, tiêu trắng và tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng… tăng lên đáng kể.

Về thị trường xuất khẩu, ngoại trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, các thị trường quan trọng khác của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Đông đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu cũng có những khó khăn nhất định trong năm qua khi chi phí đầu vào và cước vận chuyển tăng mạnh ở 2 thị trường chính là Mỹ và châu Âu, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chu kỳ tăng giá dự kiến vẫn tiếp tục trong năm 2022?

Về triển vọng năm 2022, hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hồ tiêu đều có chung một kỳ vọng là giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm tới do cung – cầu hồ tiêu đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi.

Việc giá hồ tiêu xuống thấp trong những năm trước khiến người trồng tiêu tại Việt Nam cũng như một số nước sản xuất khác dừng mở rộng diện tích, giảm chăm sóc cây tiêu, một số phá bỏ tiêu để trồng loại cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn.

Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy, nếu như năm 2019 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam đạt 260 nghìn tấn thì năm 2020 giảm xuống còn 240 nghìn tấn, và năm 2021 chỉ còn 220 nghìn tấn.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thế giới đang có xu hướng phục hồi trở lại sau khi sụt giảm do tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020.

Riêng tại Mỹ, thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, lượng hồ tiêu nhập khẩu của nước này từ năm 2019-2021 tăng trưởng bình quân 8%/năm. Trong đó, 65-70% được nhập khẩu từ Việt Nam.

Trung Đông cũng là một thị trường hết sức tiềm năng khi nhập khẩu của khu vực này tăng khá mạnh trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu của Việt Nam.

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang hầu hết thị trường trong khối này như: Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha... đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong năm 2021. 

Còn với thị trường Trung Quốc, ngoại trừ sự sụt giảm trong năm nay thì mỗi năm nước này đều nhập khẩu trên 50.000 tấn hồ tiêu từ Việt Nam.

Cùng với yếu tố cung – cầu, chi phí sản xuất tăng cao, nhất là phân bón, xăng dầu, giá cước vận chuyển,… cũng là những yếu tố làm tăng giá hồ tiêu trong năm 2022.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường cũng được cho là sẽ rất khó đoán bởi xu hướng giữ tiêu trong dân cũng như giới đầu cơ nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong năm 2022.

Xuất khẩu hồ tiêu thắng lợi lớn, chu kỳ tăng giá dự kiến tiếp tục trong năm 2022 - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Báo điện tử Công Luận

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành hồ tiêu

Số liệu về xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong 10 năm qua cho thấy, ngành hàng này vẫn còn nhiều bấp bênh và bất cứ sự gia tăng nào về nguồn cung trong tương lai cũng có thể dẫn đến nguy cơ sụt giảm về giá.

Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, xuất khẩu hồ tiêu bùng nổ về sản lượng nhưng đi kèm theo đó là giá liên tục suy giảm và chạm đáy vào năm 2020.

Trong khi năm 2021 là năm duy nhất trong 6 năm qua ghi nhận khối lượng xuất khẩu giảm nhưng kết quả đạt được là điều mà ai cũng thấy rõ, đó là giá đã bật tăng mạnh trở lại.

Do đó, theo ý kiến của các chuyên gia, để duy trì được mức giá cao trong những năm tiếp theo việc kiểm soát sự gia tăng về nguồn cung là một trong những yếu tố then chốt.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm tiến hành rà soát lại diện tích và sản lượng hồ tiêu trên cả nước, qua đó đánh giá lại thực trạng ngành hồ tiêu.

Bên cạnh đó, nông dân cần thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, có đầu ra bền vững. Theo ghi nhận tại một số địa phương, sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ không lo về giá cả và đầu ra khi luôn được các đối tác nước ngoài thu mua với giá cao hơn so với tiêu sản xuất thông thường.

Xây dựng thương hiệu cũng là điều mà ngành hồ tiêu cần chú trọng trong thời gian tới. Mặc dù đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu nhưng đến nay hồ tiêu của Việt Nam vẫn chưa được biết đến tại nhiều thị trường.

Hoàng Hiệp