|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ nêu loạt giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội năm 2022

20:18 | 09/01/2022
Chia sẻ
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Chính phủ cũng nêu loạt giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Chính phủ nhận định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng nhưng tình hình trong nước sẽ có nhiều thách thức khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Trong khi đó, sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút.

Dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn, Chính phủ nhận định sẽ tiếp tục phải ứng phó dịch bệnh trong khi sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút. Tăng trưởng và phục hồi kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ xác định tiêm chủng vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong kiểm soát dịch bệnh thành công để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Ba trọng tâm được Chính phủ yêu cầu tập trung là: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, giải pháp đầu tiên được Chính phủ quán triệt là thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết nêu rõ phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đi kèm với đó, Chính phủ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Song song với đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn; tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công và phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Các dự án hạ tầng trọng điểm, tăng kết nối vùng, liên vùng; các dự án nguồn điện, lưới điện trọng điểm và phát triển hạ tầng thương mại gắn với đa dạng hoá mô hình phân phối hiện đại... sẽ được đẩy nhanh đầu tư, triển khai. 

Ngoài ra, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch: Phấn đấu cơ bản hoàn thành phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị khu kinh tế ven biển.

Chính phủ lưu ý siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Anh Đào

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.