|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Việt Nam đang ra sao trước ngày gói kích thích 350.000 tỷ đồng có thể được thông qua?

09:42 | 09/01/2022
Chia sẻ
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo hình chữ V. Dù GDP năm 2021 tăng trưởng khiêm tốn 2,58% nhưng nền tảng vĩ mô duy trì vững chắc với CPI chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021, thấp nhất kể từ năm 2016.

Nền kinh tế phục hồi theo mô hình chữ V

Kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra từ ngày 4-11/1 sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc xem xét thông qua Chương trình phục hồi kinh tế xã hội có quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng. 

Trước ngày gói kích thích kinh tế có thể được phê duyệt, nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm 2021 đầy sóng gió, với tăng trưởng GDP khiêm tốn ở mức 2,58%.

Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 1/2022 của VNDirect, nền kinh tế đang phục hồi theo hình chữ V, góp phần củng cố tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, nền tảng vĩ mô duy trì vững chắc với CPI chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021, thấp nhất kể từ năm 2016. Bên cạnh đó, đồng VND tăng 1,2% so với đồng USD cũng như vượt trội so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực trong năm 2021.

Kinh tế Việt Nam đang ra sao trước ngày gói kích thích 350.000 tỷ đồng có thể được thông qua? - Ảnh 1.

Nguồn: VNDirect.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng có nhận định tương tự trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022. Công ty này cho rằng giai đoạn khó khăn đã qua. Dù tăng trưởng GDP năm 2021 thấp kỷ mục nhưng mức lạm phát thấp hơn, tăng trưởng tín dụng ổn định. Ngoài ra, tỷ lệ nợ công vẫn thấp hơn nhiều so với mức cảnh báo (55% GDP) và mức trần nợ công (60% GDP).

Kinh tế Việt Nam đang ra sao trước ngày gói kích thích 350.000 tỷ đồng có thể được thông qua? - Ảnh 2.

Kinh tế Việt Nam đang ra sao trước ngày gói kích thích 350.000 tỷ đồng có thể được thông qua? - Ảnh 3.

Kinh tế vừa chịu những tổn thương do đại dịch gây ra

Nói về những tổn thương do đại dịch gây ra, về phương diện sản xuất, báo cáo của VDSC cho biết sản xuất công nghiệp dù hồi phục nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trước đợt bùng phát lần thứ 4. Doanh nghiệp mới được thành lập ít đi do triển vọng không chắc chắn từ những rủi ro gắn với đại dịch. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất tăng do giá hàng hóa tăng vọt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ở phương diện người tiêu dùng, doanh số bán lẻ tiếp tục giảm sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Những tác động dai dẳng của đại dịch lên một số ngành như du lịch, khách sạn, giải trí. Xu hướng đi lại của người dân vẫn chưa phục hồi như mức trước đại dịch. Trong khi đó, thu nhập giảm đã tạo ra một số khó khăn kinh tế cho người tiêu dùng trong nước.

Một số phân khúc thị trường cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và sẽ cần thời gian để phục hồi (ví dụ: bất động sản thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn).

Kinh tế Việt Nam đang ra sao trước ngày gói kích thích 350.000 tỷ đồng có thể được thông qua? - Ảnh 4.

Kinh tế Việt Nam đang ra sao trước ngày gói kích thích 350.000 tỷ đồng có thể được thông qua? - Ảnh 5.

Kỳ vọng gói kích thích đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế

Nhận định về triển vọng năm 2022, VNDirect kỳ vọng gói kích thích kinh tế mới có thể được thông qua trong kỳ họp Quốc hội bất thường từ 4-11/1. Quy mô của gói kích thích kinh tế mới có thể tương đương 4,2% GDP Việt Nam năm 2021.

Gói kích thích kinh tế mới bao gồm: trợ cấp cho những đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp), tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Kinh tế Việt Nam đang ra sao trước ngày gói kích thích 350.000 tỷ đồng có thể được thông qua? - Ảnh 6.

Kinh tế đang rất kỳ vọng vào gói kích thích quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: VTV).

Dự báo về các nhóm ngành hưởng lợi từ gói kích thích, CTCK Yuanta Việt Nam trong báo cáo mới nhất cho rằng xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, du lịch, công nghệ viễn thông là 4 nhóm hưởng lợi trực tiếp. Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và bán lẻ là những ngành có sức bật sau khi gói kích thích được thông qua.

Trước đó hồi cuối tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết nếu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được thực hiện nhanh, hiệu quả thì Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023.

Trong dự thảo gói kích thích kinh tế, Chính phủ đánh giá việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9 điểm % trong năm 2022 và 0,2 điểm % trong năm 2023.

Từ đó, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%.

Bội chi NSNN so với GDP bình quân hai năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm, trong đó bội chi NSNN năm 2022 tối đa khoảng 5,1%GDP.

Nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50% GDP; nợ Chính phủ 45-46% GDP. Như vậy, chỉ tiêu nợ công vẫn dưới ngưỡng cảnh báo (55% GDP), thấp hơn so với mức trần đã được Quốc hội cho phép (60% GDP).

Nợ Chính phủ có thể vượt ngưỡng cảnh báo (45% GDP), nhưng vẫn dưới mức trần Quốc hội cho phép là 50% GDP.

Chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%, nhưng phấn đấu bình quân cả giai đoạn 2021-2025 vẫn trong giới hạn 25%.

Anh Đào