|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng kinh tế, lạm phát, nợ công của Việt Nam sẽ ra sao sau khi duyệt gói kích thích 350.000 tỷ đồng?

11:55 | 04/01/2022
Chia sẻ
Chính phủ đánh giá gói kích thích kinh tế dự kiến quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát và phát triển ngành, lĩnh vực,...

Sáng 4/1, tại kỳ họp Quốc hội bất thường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2022-2023.

Tăng trưởng kinh tế, lạm phát, nợ công của Việt Nam sẽ ra sao sau khi duyệt gói kích thích 350.000 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Gói kích thích sẽ giúp GDP bình quân tăng 6,5-7%/năm 

Chính phủ đánh giá việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9 điểm % trong năm 2022 và 0,2 điểm % trong năm 2023.

Từ đó, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%.

Tăng trưởng kinh tế, lạm phát, nợ công của Việt Nam sẽ ra sao sau khi duyệt gói kích thích 350.000 tỷ đồng? - Ảnh 2.

Bội chi NSNN so với GDP bình quân hai năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm, trong đó bội chi NSNN năm 2022 tối đa khoảng 5,1%GDP.

Nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49-50% GDP; nợ Chính phủ 45-46% GDP. Như vậy, chỉ tiêu nợ công vẫn dưới ngưỡng cảnh báo (55% GDP), thấp hơn so với mức trần đã được Quốc hội cho phép (60% GDP).

Nợ Chính phủ có thể vượt ngưỡng cảnh báo (45% GDP), nhưng vẫn dưới mức trần Quốc hội cho phép là 50% GDP.

Chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%, nhưng phấn đấu bình quân cả giai đoạn 2021-2025 vẫn trong giới hạn 25%.

Lạm phát có xu hướng tăng trong năm 2022-2023

Chương trình phục hồi kinh tế dự kiến sẽ bố trí vốn cho hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng, trong đó đáng chú ý là loạt dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ với tổng mức chi dự kiến là 103.164 tỷ đồng

Chính phủ đánh giá các dự án đầu tư công được triển khai sẽ góp phần tạo đột phá về cơ sở hạ tầng, giảm thời gian và chi phí vận tải cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn, nhất là hỗ trợ về dòng tiền và thị trường, tăng tổng cung và tổng cầu cũng sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh bị mất đơn hàng, bạn hàng, thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng đến sự phát triển trong trung và dài hạn của doanh nghiệp. Đồng thời, chính sách tài khóa, tiền tệ giúp tạo việc làm, hỗ trợ người lao động.

Chính phủ nhìn nhận các chính sách tài khóa, tiền tệ có thể tạo áp lực cân đối ngân sách và nợ công trong ngắn hạn; nhưng trong dài hạn, sẽ góp phần tạo ra nguồn thu mới bền vững cho ngân sách nhà nước, ổn định tài chính quốc gia. 

Khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp nói riêng sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển, đời sống của người dân dần ổn định. Đây là nền tảng quan trọng để củng cố nguồn thu từ khu vực ngoài nhà nước, thực hiện mở rộng cơ sở thu, nhất là thu thuế, phí; giảm áp lực chi an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, quy mô kinh tế tăng cao hơn so với các kịch bản nền, cũng giúp giảm áp lực điều hành tỷ lệ bội chi ngân sách và nợ công tính trên GDP.

Về kiểm soát lạm phát, Chính phủ đánh giá việc triển khai Chương trình, cộng hưởng với tác động trễ từ các biện pháp nới lỏng năm 2020-2021, lạm phát có xu hướng tăng trong năm 2022-2023. 

Trong quá trình thực hiện, có thể gia tăng áp lực lên lạm phát, do vậy phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời có chính sách phù hợp kiểm soát lạm phát. 

Anh Đào

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.