|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

BVSC: Ba ngành có sức bật sau khi gói kích thích được thông qua

11:29 | 05/01/2022
Chia sẻ
Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư của BVSC nhận định công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và bán lẻ là những ngành có sức bật sau khi gói kích thích được thông qua.

Trong báo cáo Vĩ mô và Thị trường 2022, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nêu những nhận định về triển vọng kinh tế trong nước.

Cầu tiêu dùng 2022 sẽ phục hồi mạnh từ nền thấp

Theo đó, BVSC cho rằng với chiến lược thích nghi an toàn với COVID-19, ngành công nghiệp dần hồi phục lại các hoạt động sản xuất, kết nối lại với chuỗi cung ứng của thế giới và kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022. Trước đó chiến lược "Zero-COVID" khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa và giảm công suất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chỉ số sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4.

BVSC: Ba ngành có sức bật sau khi gói kích thích được thông qua - Ảnh 1.

Chỉ số sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ. (Nguồn: GSO, BVSC tổng hợp).

Cầu tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đợt dịch thứ 4. Nhưng với tỷ lệ tiêm vắc xin cao và quan điểm thích ứng với COVID-19, công ty nhận định tình trạng khó khăn như làn sóng thứ 4 sẽ khó lặp lại và cầu tiêu dùng năm 2022 sẽ phục hồi mạnh từ nền thấp.

"Sự hồi phục của cầu tiêu dùng được kỳ vọng tới từ tất cả các mảng, bao gồm cả bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Việc Việt Nam sớm đạt miễn dịch cộng đồng từ cuối năm 2021, triển khai hộ chiếu vắc xin và mở cửa đón khách quốc tế sẽ tạo động lực hồi phục mạnh mẽ cho các mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch", báo cáo nêu.

BVSC: Ba ngành có sức bật sau khi gói kích thích được thông qua - Ảnh 2.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hàng tháng và tăng trưởng so với cùng kỳ. (Nguồn: GSO, BVSC tổng hợp).

Ba ngành có sức bật sau khi gói kích thích được thông qua

Bàn về tác động của gói kích thích kinh tế, Khối phân tích cho rằng công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và bán lẻ là những ngành có sức bật sau khi gói kích thích được thông qua.

Nhìn lại giai đoạn 2008 -2009 khi nền kinh tế cũng có gói kích thích lớn chưa từng có, ngành xây dựng năm 2008 tăng trưởng âm 0,02%, bán lẻ tăng trưởng 0,87%, đến năm 2009, xây dựng thoát mức tăng trưởng âm, tăng 0,69%, trong khi đó bán lẻ tăng 1,02%.

Trong quý III/2021 – ba tháng kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch thứ 4, công nghiệp chế biến chế tạo và bán lẻ chịu mức tăng trưởng âm lần lượt -0,81% và -1,59%. Sang quý IV/2021 sau khi Nghị quyết 128 được áp dụng, hai ngành này tăng trưởng lần lượt 1,99% và 0,45%.

BVSC: Ba ngành có sức bật sau khi gói kích thích được thông qua - Ảnh 3.

Hôm qua 4/1 tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội.

Theo đó, Chương trình tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng, riêng hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, thực hiện trong hai năm 2022-2023.

Để có nguồn lực thực hiện, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Riêng năm 2022, Chính phủ ước tính tăng bội chi thêm khoảng 1,1% lên mức 5,1% để có số tiền khoảng 102.800 tỷ đồng.

Chiều 4/1, khi góp ý kiến, thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội bày tỏ một số lo ngại liên quan đến việc đảm bảo cân đối các nền tảng vĩ mô, vấn đề nợ xấu, đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần lượng hóa các giải pháp dự kiến triển khai, đặc biệt là chính sách tiền tệ để làm rõ tổng quy mô chính sách hỗ trợ và đánh giá tác động đến nền kinh tế.

Hiện gói kích thích vẫn đang chờ được Quốc hội thông qua.

Anh Đào