|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: Năm 2022 tốc độ phục hồi khác nhau giữa các lĩnh vực, dẫn đến phân hóa nhiều hơn trên TTCK

11:08 | 09/01/2022
Chia sẻ
VDSC nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 khả quan hơn nhưng không phải tất cả đều thuận buồm xuôi gió.

Kỳ vọng nhiều vào tiêu dùng nội địa, sản xuất, xuất khẩu

Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo bức tranh chung của năm 2022 là tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn và lạm phát gia tăng trong bối cảnh yếu tố bất định kéo dài.

Nói đến những yếu tố quyết định triển vọng tăng trưởng 2022, quỹ đạo phục hồi của tiêu dùng nội địa đóng vai trò quan trọng. Nếu không có sự lây nhiễm cộng đồng của các biến thể kháng vắc xin, kỳ vọng lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp sẽ dần bình thường trở lại trong nửa đầu năm 2022.

Hoạt động sản xuất dự báo tăng trưởng trở lại nhờ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đã dần giảm bớt sau khi Chính phủ thay đổi tư duy về đối phó với đại dịch theo Nghị quyết 128.

VDSC: Năm 2022 tốc độ phục hồi khác nhau giữa các lĩnh vực, dẫn đến phân hóa nhiều hơn trên TTCK - Ảnh 1.

Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022, do đó nhu cầu thế giới tích cực sẽ giúp cho tăng trưởng xuất khẩu cao được duy trì trong năm 2022.

Đầu tư công sẽ đóng vai trò then chốt để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Gói chi tiêu công sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính, bao gồm y tế công, kỹ thuật số và viễn thông, hạ tầng giao thông và năng lượng. 

Chuyển đổi số tiếp tục dẫn dắt quá trình tăng trưởng. Đại dịch đã thúc đẩy đáng kể việc áp dụng công nghệ vào đời sống, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn của các nhà đầu tư vào năm 2022 và cả giai đoạn sau đó nữa. 

Ngoài ra, tốc độ phục hồi sẽ khác nhau giữa các lĩnh vực. Điều này dẫn đến sự luân chuyển dòng vốn giữa ngành thường xuyên hơn và sự phân hóa nhiều hơn trên thị trường chứng khoán.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, COVID-19 sẽ chỉ là lực cản nhỏ với phục hồi kinh tế

Về rủi ro liên quan đến đại dịch, VDSC hy vọng đại dịch có khả năng trở thành loại bệnh có thể điều trị được vào năm 2022, từ đó chỉ là một lực cản nhỏ đối với sự phục hồi kinh tế.

Về lạm phát, VDSC dự báo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát với chỉ số CPI trung bình là 3,8% trong năm 2022. Thực phẩm và xây dựng/nhà ở sẽ là yếu tố chính góp phần vào lạm phát của Việt Nam năm 2022. Do đó cần theo dõi hai biến số này chặt chẽ hơn. Khối phân tích cũng cho rằng mối lo về lạm phát sẽ tiếp tục chi phối tâm lý nhà đầu tư trong nửa đầu năm 2022.

Ngoài ra, xác suất lây nhiễm đối với các chủng virus kháng vắc xin sẽ góp phần gia tăng tính bất định của quá trình phục hồi kinh tế. 

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và chính sách "Zero COVID" có khả năng làm tăng thêm rủi ro tăng trưởng của Việt Nam.

VDSC nhận định sự kết hợp giữa tiến độ tiêm chủng, lĩnh vực sản xuất phục hồi, chi tiêu tiêu dùng tăng trở lại và chính sách tiếp tục hỗ trợ có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng khoảng 6,8% vào năm 2022, cao hơn mục tiêu của Chính phủ là 6,0-6,5%. 

Công ty cũng nhấn mạnh tốc độ tiêm chủng là rất quan trọng đối với việc phục hồi kinh tế.

Anh Đào