|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lực cản khiến doanh nghiệp Việt khó hiện thực hoá cơ hội từ ưu đãi thuế quan FTA

20:19 | 17/12/2022
Chia sẻ
Đại diện VCCI cho biết tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm, từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021 và diễn tiến không ổn định với từng hiệp định. Điều này cho thấy các doanh nghiệp chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng các ưu đãi.

Ngày 17/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) chia sẻ về hiệu quả khai thác FTA. (Ảnh: Hoàng Anh) 

Tại Hội thảo 1 với chủ đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết kể từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với tổng cộng 53 đối tác thương mại ở 4 châu lục. Điều này đã tác động tích cực đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tăng xuất khẩu vào các thị trường đối tác FTA

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 480 tỷ USD, tăng 22,5% so với 2020 và chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 212,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với 2020, chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đạt 267,2 tỷ USD, tăng 26,7% chiếm 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đạt 69,1 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường này. Đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng đây là tỷ lệ khá lạc quan so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là khi số tổng chưa loại trừ một tỷ lệ nhất định các dòng thuế tối huệ quốc (MFN) 0%.

“Có thể nói, phần lớn dòng chảy thương mại hàng hóa của Việt Nam là với các đối tác FTA và thương mại với các thị trường này. Đây là một trong các động lực lớn cho tăng trưởng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nước ta”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhận định.

 

Nhóm sản phẩm hàng hóa tận dụng được tốt nhất các ưu đãi thuế quan. (Nguồn: VCCI, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng ưu đãi thuế quan FTA giảm

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng kết quả thực thi FTA từ góc độ sản xuất, xuất khẩu được khá tích cực, song vẫn còn một số yếu tố cho thấy nền kinh tế và các doanh nghiệp chưa tận dụng được các FTA như kỳ vọng.

Cụ thể giai đoạn 2020 – 2021, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA ở mức 10,3%/năm, thấp hơn so với mức 13%/năm tăng trưởng xuất khẩu đi toàn thế giới.

Mặt khác, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm, từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021 và diễn tiến không ổn định với từng Hiệp định. Điều này cho thấy các doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng các ưu đãi.

Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy trong số các doanh nghiệp từng ít nhất được hưởng ưu đãi thuế quan với một lô hàng, hơn 34% doanh nghiệp cho biết hàng hóa, quy trình sản xuất của họ may mắn đáp ứng các quy tắc xuất xứ FTA mà không phải là doanh nghiệp chủ động chuyển đổi để đáp ứng các điều kiện về xuất xứ này.

Ngoài ra, VCCI cũng chỉ ra những lực cản khiến doanh nghiệp khó hiện thực hóa các cơ hội tiềm năng từ các FTA, bao gồm biến động và bất ổn của thị trường, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng, bất cập trong việc thực thi các FTA của các cơ quan nhà nước.

 (Nguồn: VCCI)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan từ các FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất trong ngắn hạn, các Bộ Công Thương, NN&PTNT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam thiết kế riêng cho từng thị trường, trong đó ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ.

Thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA cần xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường; thiết lập các đầu mối thông tin thị trường (bản tin thị trường, định kỳ cập nhật tình hình thị trường như cung, cầu, các điều chỉnh chính sách…) đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.

Về các giải pháp dài hạn, VCCI kiến nghị nghiên cứu và xúc tiến việc đàm phán các FTA mới, ở dạng thức thích hợp (song phương, đa phương/khu vực) với một số thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi…

Hoàng Anh