Dự báo xuất khẩu tôm khởi sắc nhờ FTA
Theo Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết trong tháng 6, thị trường tôm nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu hướng giảm, đặc biệt với tôm sú do nguồn cung dồi dào.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 40.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 200.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg giảm 10.000 đồng/kg còn 180.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg giảm 5.000 đồng/kg còn 140.000 đồng/kg.
Trong khi giá tôm thẻ ướp đá sau khi giảm khá mạnh tháng trước đã tăng trở lại. Tôm thẻ cỡ 60 con/kg tăng 13.000 đồng/kg lên 113.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg tăng 10.000 đồng/kg lên 108.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg giảm 3.000 đồng/kg còn 83.000 đồng/kg.
Tại ĐBSCL, phần lớn các ao tôm thẻ cỡ 80 con/kg và lớn hơn vẫn chưa phục hồi so với tháng trước do đã thu hoạch trong tháng 5 dẫn đến nguồn cung giảm vào đầu tháng 6.
Thêm vào đó, các nhà máy vẫn có nhu cầu cao với các cỡ này nên đồng loạt tăng giá thu mua dẫn đến giá tôm thẻ ướp đá đi lên từ cuối tháng 5.
Số liệu thống kê của VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng năm đạt 1,5 tỷ USD trong đó xuất khẩu tôm sang khối CPTPP đạt 483 triệu USD, tăng 14%, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu tôm.
Cùng đà tăng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt gần 440 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sang EU đạt 255,5 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục nhận định trong nửa đầu năm nay, thị trường thủy sản thế giới trong đó có Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới tình hình tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam sẽ khả quan trong bối cảnh các nước nhập khẩu kiểm soát được dịch bệnh và sự cộng hưởng của các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực theo thời gian.
Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19.
Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ FTA và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng và sản xuất khi kiểm soát tốt dịch COVID-19.