|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

15 lô tôm xuất khẩu bị cảnh báo chất lượng

14:08 | 16/07/2021
Chia sẻ
Trong 5 tháng đầu năm, 15 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản (QLCLNL&TS) trong 5 tháng đầu năm, 15 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, cảnh báo về các chỉ tiêu dịch bệnh 5 lô chiếm 33%, vi sinh 5 lô chiếm 33%, tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm 4 lô 27%.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản cho biết chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm tôm năm 2020 có cải thiện so với 2019, số lô hàng tôm xuất khẩu bị cảnh báo giảm 28,5% so với năm 2019.

Trong đó 10 lô bị cảnh báo liên quan đến hóa chất, kháng sinh chiếm 28%. Tuy nhiên tỷ lệ lô hàng bị cảnh báo liên quan đến dịch bệnh, phụ gia chiếm đến 2/3 số lô hàng tôm bị cảnh báo tại các thị trường nhập khẩu.

Hiện, các thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam là Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Cả nước có 406 cơ sở chế biến tôm được công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và trong danh sách xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách và lô hàng được cấp giấy chứng nhận thực phẩm thủy sản xuất khẩu bởi Cục QLCLNL&TS.

5 tháng đầu năm, Cục lấy 537 mẫu tôm thẻ, sú tại 76 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh tại vùng nuôi. Kết quả 6 mẫu vi phạm (Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Ormetoprim). 

Các trường hợp phát hiện vi phạm đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định tại Thông tư 31 của Bộ NN&PTNT.

Bên cạnh đó, Cục QLCLNL&TS lưu ý các cơ sở sơ chế, chế biến tôm nuôi nước lợ phải đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo nguyên tắc HACCP.

Theo đó, các cơ sở phải nhận diện và kiểm soát các mối nguy an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với mối nguy hóa chất, kháng sinh trong nguyên liệu tôm.

Việc tự kiểm soát của các cơ sở sơ chế, chế biến tôm nuôi chủ yếu được thực hiện thông qua hoạt động lấy mẫu thẩm tra nguyên liệu tại ao nuôi trước khi thu hoạch hoặc tại công đoạn tiếp nhận nguyên liệu của cơ sở chế biến nhằm làm giảm rủi ro tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm sản xuất tại cơ sở.

Trong 5 tháng đầu năm, 4 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang thanh tra 55 cơ sở và phát hiện 36 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 455 triệu đồng.

Hoàng Anh