Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Nhật Bản
Thông tin cơ bản về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)
Thời gian kí: tháng 4/2008
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ ngày 1/12/2008.
AJCEP được đánh giá là một Hiệp định Thương mại Tự do toàn diện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế. Trước đó hai bên đã kí Hiệp định khung về Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản năm 2003.
Website: http://ajcep.asean.org/
Lộ trình cắt giảm thuế quan
Biểu cam kết của Việt Nam trong AJCEP bao gồm 9.390 dòng thuế, trong đó đưa vào lộ trình cắt giảm đối với 8.771 dòng.
– Danh mục xoá bỏ thuế quan: Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 62,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm, trong đó xoá bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 26,3% dòng thuế và xoá bỏ thuế quan sau 10 năm thực hiện Hiệp định (năm 2018) đối với 33,8% dòng thuế.
Vào năm 2023 và 2024 (sau 15 năm và 16 năm thực hiện Hiệp định) cam kết xoá bỏ 25,7% và 0,7% số dòng thuế tương ứng.
Như vậy, vào năm cuối lộ trình (năm 2025) số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan chiếm 88,6% số dòng thuế trong toàn Biểu cam kết.
– Danh mục nhạy cảm thường (SL) chiếm 0,6% số dòng thuế, được duy trì ở mức thuế suất cơ sở và xuống 5% vào năm 2025.
– Danh mục nhạy cảm cao (HSL) chiếm 0,8% số dòng thuế, được duy trì mức thuế suất cao (giảm xuống 50% vào năm 2023).
– Danh mục không xoá bỏ thuế quan, thuế suất duy trì ở mức thuế suất cơ sở trong cả lộ trình (C) chiếm 3,3% số dòng thuế.
– Danh mục loại trừ chiếm 6,0% số dòng thuế.
Lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong Hiệp định AJCEP bắt đầu từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2025. Các mặt hàng được cắt giảm xuống 0% vào các thời điểm 2018, 2023 và 2024.
Về diện mặt hàng, các mặt hàng được xoá bỏ thuế quan chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp. Số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan tập trung vào các ngành máy móc thiết bị điện, máy móc cơ khí, hoá chất, kim loại, dệt may và sản phẩm nông nghiệp.
FDI từ Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng
Báo cáo khảo sát được Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố mới đây cho thấy, trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là nước có tỉ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất.
Theo đó, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư rất hứa hẹn trong trung và dài hạn.
Kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường nước ngoài chỉ ra rằng, tỉ lệ bình chọn Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn đạt 36,4%, tăng 2,5% so với năm 2018, qua đó đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 trong danh sách xếp hạng của JBIC.
Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lớn nhất trong năm 2019 với tổng vốn đăng kí gần 8 tỉ USD. Vốn FDI của Nhật Bản chiếm 31% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam tăng và đạt kỉ lục với 630 dự án, là năm thứ tư liên tiếp tỉ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng.
Về triển vọng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, trong thời gian 10 năm tiếp theo, báo cáo của JBIC cho biết, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ ba với 34,8%, sau Ấn Độ và Trung Quốc với tỉ lệ phiếu bầu lần lượt là 52,4% và 40,2%.
Cơ hội cho Việt Nam từ Hiệp định AJCEP
Việt Nam có FTA riêng với Nhật Bản, tham gia CPTPP cùng với Nhật Bản và là thành viên ASEAN nên có phần trong AJCEP. Những khuôn khổ quan hệ hợp tác này bổ sung và hậu thuẫn cho nhau, tạo cơ hội cho giới doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác kinh doanh trở nên đa dạng và thuận lợi hơn.
Nhưng cũng vì thế mà có một số vấn đề lớn đặt ra cho Việt Nam trong quan hệ hợp tác với Nhật Bản.
1. Cần xác định ưu tiên lĩnh vực và cấp độ hợp tác với Nhật Bản trong từng khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương nói trên để vừa tận lợi được tối đa cơ hội, từ đó tránh bị chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn với nhau.
Cụ thể cần ưu tiên hợp tác những lĩnh vực, như công nghiệp chế tạo, chế biến có sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ thân thiện môi trường,... trong khuôn khổ FTA song phương, CPTPP và AJCEP.
2. Cần tạo nên hiệu ứng cộng hưởng từ hợp tác với Nhật Bản trong cả ba khuôn khổ mậu dịch tự do. Đây là bài toán khó cả về tầm nhìn vĩ mô lẫn quyết sách vi mô, đòi hỏi cần được điều chỉnh linh hoạt và kịp thời.
3. Cần đảm bảo sự tương tác hài hoà giữa ba khuôn khổ hợp tác này với nhau để cả ba đều cùng được thúc đẩy, chứ không cản trở hay đối kháng lẫn nhau.
Về phía các doanh nghiệp, cần khai thác ưu đãi do các FTA này mang lại, trong đó bám sát các lộ trình cắt giảm thuế quan đối với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Nhật Bản.
Đồng thời khắc phục những rào cản về kĩ thuật cũng như tuân thủ các qui tắc của các Hiệp định này. Những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, bao gồm hàng nông sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng thủ công mĩ nghệ,…
Chi tiết về Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Nhật Bản