|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

2019: Năm của sự mở cửa thị trường sâu rộng từ các hiệp định thương mại đáng kì vọng

16:56 | 17/12/2019
Chia sẻ
Sau hàng loạt các hiệp định thương mại (FTA) song phương và khu vực đã kí kết, độ mở cửa hội nhập của Việt Nam còn sâu rộng hơn bằng các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Các Hiệp định thương mại tự do quan trọng trong năm 2019

Hiện nay, Việt Nam đã triển khai 11 Hiệp định FTA gồm FTA nội khối giữa 10 nước ASEAN; 6 Hiệp định FTA cùng ASEAN kí kết với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia - New Zealand; 4 Hiệp định FTA song phương với Nhật Bản, Chi lê, Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)

Việc Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. 

Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng cùng những cam kết mở cửa thị trường trong các FTA. 

Những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế như nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép… được dự báo sẽ có tốc độ gia tăng giá trị xuất khẩu nhanh chóng.

14/1/2019: CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam

Ngày 8/3/2018, Việt Nam đã cùng 10 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore chính thức kí kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thành phố Santiago, Chile.

Đến ngày 30/12/2018, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Theo đó, Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. 

Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Thêm vào đó, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước trong CPTPP tăng từ 54 tỉ USD lên 80 tỉ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Dữ liệu ghi nhận thị phần kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với ngành giày dép, dệt may, đồ gỗ, đồ uống lần lượt ở mức 12,5%,16,04%, 20% và 23,46% càng cho thấy tiềm năng tăng thị phần trong kim ngạch nhập khẩu của đối tác thuộc khối CPTPP là có cơ sở.

30/6/2019: EVFTA và IPA được kí kết sau 9 năm đàm phán

Sau 9 năm đàm phán, ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) đã được kí kết.

Đến nay, hai bên vẫn đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục nội bộ để trình phê chuẩn trong thời gian tới.

Về phía Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn chỉnh báo cáo tác động về kinh tế. Bộ Tư pháp đang hoàn tất quá trình rà soát hệ thông pháp luật để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật Việt Nam với cam kết trong các hiệp định.

Ủy ban đối ngoại của Quốc hội sau khi nhận đầy đủ hồ sơ sẽ tiến hành thẩm tra theo qui định luật pháp quốc tế.

Về phía EU, dự kiến đầu năm 2020 Nghị viện châu Âu mới có phiên họp toàn thể để xem xét EVFTA. Theo lộ trình này, EVFTA có thể được phía EU phê chuẩn trong nửa đầu năm 2020. Theo quy định, hiệp định có hiệu lực 2 tháng sau đó hoặc vào thời điểm do 2 bên thống nhất.

Với EVIPA, hiện nay chưa có dự kiến về lộ trình và thời gian có hiệu lực.

Đáng chú ý, theo thỏa thuận, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm.

Có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được kết.

Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hoá EU. Sau 7 năm số dòng thuế được xoá bỏ tăng lên 91,8% và  sau 10 năm mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế... 

Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiêu dùng các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh.

Bên cạnh việc mang lại những cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành, bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.

Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á.

Những tác động bước đầu

Hiện nay, CPTTP đã có hiệu lực đối với 7/11 nước tham gia, còn EVFTA vẫn phải chờ các nước châu Âu và liên minh phê chuẩn. Các cam kết trong CPTPP tạo ra những lợi ích lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong nước đã nhìn nhận và bắt đầu tận dụng được những cơ hội mà hiệp định này mang lại. 

Tính đến hết tháng 11/2019, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng trưởng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định. 

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang Canada 11 tháng đạt 3,5 tỉ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỉ USD, tăng 29,5%...

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một số lĩnh vực đã có hiệu ứng như ngành rau quả từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu được 3,5 tỉ USD, một số thị trường thuộc CPTPP tăng rất cao như Nhật Bản tăng 35%.

Bên cạnh đó, việc kí kết hiệp định thương mại EVFTA và CPTPP đã và đang mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 11 tháng ước đạt 16,5 tỉ USD, tăng 12,5% so với cùng kì. Trong đó, sản lượng giày dép da ước đạt 270,6 triệu đôi, tăng 7% so với cùng kì. Còn chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,8%.

Theo đó, hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong các tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo với việc duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bộ Công thương cho rằng cơ hội mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục có nhiều thuận lợi. 

Bởi đa số doanh nghiệp da giày có lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 5 - 10% so với cùng kì năm trước. Một trong những thuận lợi cho các doanh nghiệp là giá nguyên vật liệu ổn định, không tăng so với cùng kì năm 2018.

Ngoài ra, tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam.

Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mặt khác, CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ với cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada.

Vẫn chưa dễ tận dụng cơ hội

Theo các chuyên gia khi CPTPP có hiệu lực, số doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này đáp ứng được các yêu cầu để được vào thị trường các nước tham gia, để hưởng ưu đãi thuế quan chưa nhiều vì một số nguyên nhân, trong đó có việc chưa thực sự nắm bắt và vận dụng được các qui định.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, cho biết đối với CPTPP thì có 7 thị trường Việt Nam đã và đang có các Hiệp định thương mại tự do. 

"Chúng ta thấy có khá nhiều Hiệp định thương mại tự do có mức độ cam kết giống như CPTPP nên CPTPP chỉ tạo thêm con đường mới để các doanh nghiệp lựa chọn, chứ không phải là con đường duy nhất.

Tuy nhiên, từ thực tế tận dụng các FTA cũ và mới vừa qua, có một điểm dễ thấy là hiểu biết của doanh nghiệp về các yêu cầu, ưu đãi còn hạn chế",  bà Trang nhấn mạnh.

Cụ thể, theo khảo sát của VCCI, vẫn có nhiều trở ngại với doanh nghiệp khi tìm hiểu các hiệp định như cam kết phức tạp, không dễ đọc, hiểu và chuẩn bị. 

Hai yếu tố cản trở nhất đối với việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA là thông tin cam kết và thực thi từ phía cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn cho rằng qui tắc xuất xứ quá khó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp so với đối thủ...

Đồng quan điểm, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Bên cạnh cơ hội thì thách thức của chúng ta là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp còn thấp, cho nên cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi xuất khẩu và cả trên sân nhà rất vất vả.

Do đó, với mức độ cam kết sâu rộng và toàn diện, việc triển khai hiệu quả CPTPP rất cần sự vào cuộc chủ động, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và nhất là sự chủ động của từng doanh nghiệp", ông Võ Tân Thành nhấn mạnh.

CPTPP, EVFTA và các hiệp định khác đang mang lại nhiều cơ hội cho xuất nhập khẩu của Việt Nam nhưng hiện thực hóa cơ hội được hay không còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp.

"Cần lưu ý với các doanh nghiệp rằng, những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, cải cách thể chế của Việt Nam đều có lộ trình. 

Thay vì để hưởng lợi thêm trong ngắn hạn thì doanh nghiệp cần tận dụng thời gian này xây dựng chiến lược phát triển bài bản, dài hạn của mình", Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI lưu ý.

Như Huỳnh

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietcombank: Dư nợ cho CBBank vay 10.000 tỷ năm 2022 đã giảm về 1.000 tỷ vào cuối quý I
Ngân hàng dự kiến sẽ trình phương án tiếp tục dùng lợi nhuận của năm 2023 để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) cần sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.