|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lợi thế từ hiệp định CPTPP: Miếng bánh ngon không dành cho tất cả

16:15 | 29/07/2022
Chia sẻ
Theo cam kết, các nước trong khối CPTPP sẽ cắt giảm gần như 100% dòng thuế về 0% sau một thời gian nhất định. Đây là ưu đãi quá hấp dẫn với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng không phải ngành hàng nào cũng có thể nắm bắt.

Không phải ngành nào cũng có thể tận dụng lợi thế của CPTPP

Sau 3 năm thực thi các FTA nói chung và hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 đã tăng trưởng 19% với 680 tỷ USD.

Theo cam kết, các nước CPTPP sẽ phải cắt giảm gần như 100% dòng thuế về 0% sau một thời gian nhất định. Đây là cơ hội để nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam mở rộng thị phần tại các nước thành viên CPTPP.

Thị trường xuất khẩu hấp dẫn nhưng không phải ngành hàng, doanh nghiệp nào cũng có thể nắm bắt và tận dụng cơ hội này.  

Ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết trong khối CPTPP, không phải tất cả thành viên đều có nhu cầu nhập khẩu xi măng.

“Các như phát triển như Australia, Nhật Bản đã xây dựng các cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nên nhu cầu về vật liệu không cao. Đồng thời, các nước này đều có nhà máy sản xuất xi măng, cung cấp cho thị trường nội địa.

Còn lại các thị trường Chile, Mexico, Peru... có tiềm năng lớn nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề vị trí trí địa lý xa, cước vận tải cao”, ông Long nói.

Mặt khác, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia khắc phục được khó khăn từ COVID-19 nhưng các nước khác vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, các dự án đầu tư chưa được chú trọng.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của xi măng hiện nay rất lớn, khiến giá thành tăng lên cao, dẫn tới việc bán trong nước và xuất khẩu đều khó khăn. 

Cụ thể, việc giá than đang ở mức rất cao đã làm cho giá thành sản xuất xi măng tăng lên khoảng 10-15 USD/tấn sản phẩm. Chi phí đầu vào phi mã nhưng giá xi măng xuất khẩu vẫn đứng im khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thua lỗ nếu tiếp tục sản xuất và bán hàng.

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng, trong tháng 5-6 vừa qua, lượng xuất khẩu xi măng so với cùng kỳ năm ngoái chỉ bằng 50%. Đây là khó khăn chung, ảnh hưởng đến xuất khẩu sang các nước CPTPP.

Ngành xi măng đã có cú trượt dốc khi tốc độ tăng trưởng giảm từ 21% vào năm 2018 xuống còn 4,7% vào năm 2021.

 11 nước trong khối CPTPP. (Nguồn: Bộ Công Thương)

 

Trái với xi măng, các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam như điện tử, cơ khí, dệt may, thủy sản, gỗ... lại đang thâm nhập khá sâu vào khối CPTPP.

Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết trong số các quốc gia tham gia CPTPP, có 4 nước thành viên thuộc khu vực châu Mỹ bao gồm: Canada, Chile, Mexico và Peru. Đây đều là những nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao, ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực: Canada (94%), Chile (95%), Peru (81%) và Mexico (77%).  

Cơ cấu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang các nước CPTPP khu vực châu Mỹ được phân bổ như sau: điện thoại và linh kiện chiếm 20%, máy vi tính, sản phẩm điện tử chiếm 16%, máy móc thiết bị phụ tùng chiếm 9%, hàng dệt may chiếm 10% và giày dép 7%.

Đối với mặt hàng dệt may, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu xuống còn 0% ngay hoặc trong vòng 3 năm, trong khi Mexico, Peru cam kết khiêm tốn hơn tuy nhiên cũng sẽ giảm tối đa thuế suất sau lộ trình từ 12-16 năm.

Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay, việc có lợi thế thuế quan lên tới từ 10-20% so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là lợi thế rõ rệt cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Quy tắc xuất xứ có phải là rào cản?

Một trong những lý do khiến doanh nghiệp chưa thể tận dụng hết ưu đãi của hiệp định CPTPP là rào cản về quy tắc xuất xứ. Hiện, việc đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA khác.

Ông Lương Đức Long cho biết ngành sản xuất xi măng chủ yếu sử dụng nguyên, nhiên liệu tại chỗ, song gần đây có một số doanh nghiệp nhập than và thạch cao ở nước ngoài.

“Việc chấp hành quy tắc xuất xứ của Hiệp định CPTPP vẫn còn rất mới so với các doanh nghiệp ngành sản xuất xi măng. Có lẽ thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ như thế nào hiện nay các doanh nghiệp trong ngành cũng chưa nắm được đầy đủ”, ông Long nói.

Vì vậy, đại diện Hiệp hội Xi măng đề xuất Bộ Công Thương hướng dẫn cho doanh nghiệp về các chuẩn mực quy tắc xuất xứ trong ngành công nghiệp xi măng để xuất khẩu xi măng tới các nước thuộc hiệp định CPTPP và các nước khác.

 

 Quét mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Nguồn: TTXVN)

Cũng bàn luận về vấn đề này, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết hiệp định CPTPP quy định ba phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: hàng hóa có xuất xứ thuần túy; hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTP và quy tắc cụ thể mặt hàng.

Mỗi nhóm sản phẩm sẽ có cách tổ chức sản xuất, quy định xuất xứ khác nhau. Do đó, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể đối với mỗi ngành hàng, lĩnh vực; đồng thời doanh nghiệp cũng phải tự nhận diện được đâu là loại hàng hoá để có đầu tư.

“Điển hình như chăn nuôi, nông sản... chúng ta phải có cách hướng dẫn cụ thể cho người nông dân, người thu mua đến doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp xuất nhập khập khẩu nhằm đáp ứng các quy tắc xuất xứ”, ông Bình nói.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết hỗ trợ cho doanh nghiệp để tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP. Trong đó, hướng các doanh nghiệp thay đổi quy chuỗi cung ứng và quy trình.

“Một mục tiêu của các FTA chính là thúc đẩy giao dịch liên kết nội khối và qua đó cùng hỗ trợ và tiêu thụ hàng hóa của nhau. Đây là điều mà các doanh nghiệp chúng ta cần lưu ý.

Trong trường hợp CPTPP, chúng ta có thể tìm kiếm doanh nghiệp của Mexico, Peru… nếu như họ có nguồn nguyên liệu phù hợp để thay thế được nguồn nguyên liệu hiện tại, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ khi đó sẽ thuận lợi hơn”, ông Hải khuyến cáo.

Hoàng Anh