Tìm hiểu thông tin xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU
Hiện trạng ngành thủy sản Việt Nam
Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ.
Đến năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6,25% so với năm 2018. Tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9; trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%; nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%.
Ngành khai thác thủy sản đang tích cực triển khai nhiều giải pháp khắc phục chiếc "thẻ vàng" của EU nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.
Năm 2019, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu tới 127 thị trường và hai khu vực EU và ASEAN. Trong đó Trung Quốc, ASEAN, EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2019 đạt 269,1 nghìn tấn, trị giá 1,29 tỷ USD; chiếm 12,8% về lượng và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Tôm các loại chiếm tới 44,3% về trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.
Trong EU, Việt Nam xuất khẩu thủy sản nhiều nhất sang các thị trường Hà Lan, Đức, Italy, Tây Ban Nha.
Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), năm 2019 EU nhập khẩu 55,66 tỷ USD, giảm 4,1% so với năm 2018.
Một trong những nguyên nhân chính khiến nhập khẩu thủy sản vào EU suy giảm trong năm 2019 là do thị trường này siết chặt quy định về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) ở tất cả thị trường cung cấp.
Việt Nam đứng thứ 6 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp thủy sản cho EU-28, chiếm 2,45% tổng nhập khẩu thủy sản của EU trong năm 2019.
Tại khu vực ASEAN, Việt Nam đang là thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho EU. Ở khu vực châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc..
Hiệp định EVFTA dự kiến giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng khoảng 2% giai đoạn 2020 - 2030.
Hiệp định EVFTA cam kết dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng thủy sản của Việt Nam, trong đó thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu như Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%.
Chi tiết Thông tin xuất khẩu vào thị trường EU – Ngành hàng thủy sản