Tìm hiểu thông tin xuất khẩu dệt may vào thị trường EU
Năng lực ngành dệt may Việt Nam
Ngành dệt may Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, với số lượng và quy mô các doanh nghiệp liên tục phát triển qua các năm, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ.
Hiện nay, toàn ngành có khoảng 7.000 doanh nghiệp, sử dụng gần 3 triệu lao động, nhập khẩu nguyên phụ liệu từ hai thị trường chính là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam vẫn gần như đứng ở cuối nguồn trong chuỗi giá trị sản xuất dệt may, chủ yếu ở khâu may mặc.
Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Năm 2019 chỉ đứng sau Trung Quốc và Bangladesh.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã tăng gấp gần ba lần, từ 11,2 tỷ USD lên 32,8 tỷ USD trong giai đoạn 2010 - 2019, chiếm 6,25% thị phần dệt may trên thế giới.
So với các doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn thấp hơn và chỉ tăng nhẹ sau 10 năm, từ 39,2% vào năm 2010 lên 41,1% vào năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tới 59% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Các thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc
Xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 11,08% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc, với mức tăng trưởng hàng năm 7 - 10%.
Trong số các thành viên của EU-27, riêng 4 thị trường lớn là Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ đã chiếm gần 70% xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU.
10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất gồm áo jacket, quần, áo thun, đồ lót, áo sơ mi, quần áo trẻ em, quần short, quần áo bảo hộ lao động, váy, quần áo bơi, chiếm 88,42% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU.
Nhu cầu nhập hàng khẩu dệt may của EU
Theo Liên đoàn Dệt may EU (EURATEX), với mức tiêu thụ hộ gia đình gần 500 tỷ euro, EU-27 được đánh giá là thị trường có dung lượng lớn nhất thế giới và còn nhiều tiềm năng cho các sản phẩm dệt may.
EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới.
Tổng nhu cầu hàng may mặc của thị trường này tăng trưởng bình quân 3%/năm. Năm 2019, doanh số bán lẻ hàng dệt may, giày dép của EU vẫn tăng trưởng 4% so với năm 2018.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu, năm 2019 nhập khẩu hàng may mặc của EU đạt 153,87 tỷ EUR (172,8 tỷ USD), tăng 4,3% so với năm 2018. Trong đó, nhập khẩu từ thị trường nội khối tăng 4,49%; nhập khẩu từ thị trường ngoại khối tăng 4,21%.
Thị phần hàng dệt may Việt Nam tại thị trường EU mới chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may vào EU và 4,15% tổng nhập khẩu từ thị trường ngoài khối, nên còn nhiều dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Chi tiết Thông tin xuất khẩu vào thị trường EU – Ngành hàng dệt may