|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tìm hiểu thông tin xuất khẩu nhựa vào thị trường EU

20:13 | 15/02/2021
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu nhựa của Việt Nam liên tục tăng mạnh những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình 14 - 15%/năm.

Hiện trạng ngành nhựa Việt Nam

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), những năm gần đây, ngành nhựa Việt Nam phát triển mạnh mẽ, với mức tăng từ 16 - 18%/năm (chỉ sau ngành điện tử và dệt may), trong đó có những chủng loại mặt hàng tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%. Đến nay, tổng sản lượng nhựa đạt khoảng 8 - 9 triệu tấn/năm.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ xuất phát từ thị trường rộng, tiềm năng phát triển lớn; các sản phẩm nhựa đa dạng được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong sản xuất và tiêu dùng. 

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Sản phẩm nhựa có xu hướng chuyển từ giá trị gia tăng thấp sang giá trị gia tăng cao hơn, hướng tới các sản phẩm sinh thái.

Theo thống kê, để đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu, mỗi năm ngành nhựa Việt Nam phải nhập khẩu hàng triệu tấn các loại nguyên liệu như PE, PP, PS...

Tuy nhiên, khả năng trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 15-35% nhu cầu nguyên phụ liệu. Việc phụ thuộc nguyên liệu nhựa nhập khẩu đã làm tăng chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh và khó tận dụng được ưu đãi thuế quan, bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, ngành nhựa cả nước có khoảng 3.300 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp sản xuất trong mảng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất với 41% (tương đương khoảng 1.353 doanh nghiệp).

Tình hình xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu nhựa liên tục tăng mạnh những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình 14 - 15%/năm.

Ngành nhựa Việt Nam có số lượng doanh nghiệp đông đảo nhưng 80% doanh nghiệp nhựa trong nước có quy mô vừa và nhỏ, với khoảng 85% thiết bị máy móc nhập ngoại

Các sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện nay đã có mặt tại hơn 150 thị trường trên thế giới như: Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, EU, Mỹ...

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Nhu cầu nhập khẩu nhựa của EU

Thị trường EU hiện chiếm khoảng 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nhựa và sản phẩm nhựa của Việt Nam.

Xuất khẩu nhựa và sản phẩm nhựa sang thị trường EU những năm gần đây không bị áp thuế chống bán phá giá như các thị trường châu Á khác (thuế trung bình từ 8 - 30%).

Những năm gần đây, xuất khẩu nhựa sang thị trường EU khá ổn định; tuy nhiên do tác động của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2020 giảm đáng kể. 

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Theo Trade map (ITC), trong năm 2019 nguồn cung nhựa và sản phẩm từ nhựa của EU chủ yếu từ nội khối, chiếm 75,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, đứng đầu là thị trường Đức chiếm 20,3% đạt 46,5 tỷ USD trong năm 2019, giảm 7,9% so với năm 2018.

Đối với nhập khẩu nhựa, sản phẩm nhựa từ các thị trường ngoại khối, Trung Quốc đứng đầu với kim ngạch đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2018, chiếm tỷ trọng 6,2%; Mỹ đứng thứ hai chiếm 5% tỷ trọng.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Nhập khẩu từ Việt Nam vào EU-28 đứng trong top 10 các nguồn cung ứng ngoại khối, đạt 930,6 triệu USD trong năm 2019, tăng 5,2% so với năm 2018, chiếm 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào EU.

Nhựa, sản phẩm từ nhựa của Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu tới các thị trường như Đức, Pháp, Italy, Anh, Bỉ, với các sản phẩm chính gồm các mã HS: 3923, 3926, 3907.

Chi tiết Thông tin xuất khẩu vào thị trường EU – Ngành hàng nhựa

Ánh Dương