|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đường đến Net Zero của ngành nhựa còn xa

08:55 | 09/07/2023
Chia sẻ
Việt Nam năm trong top các quốc gia phát thải nhiều nhựa nhất thế giới. Ngành nhựa cũng nằm trong những ngành sản xuất gây ô nhiểm môi trường nhiều. Mặc dù ngành đã có chiến lược cụ thể để đạt mục tiêu giảm tác động xấu cho môi trường nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn.

Những rào cản trong thực hiện quy định bảo vệ môi trường

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về phát thải nhựa và hình ảnh ngành nhựa có gì đó không đẹp. Trong bối cảnh  Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero đến năm 2050, đã có nhiều quy định đưa ra đối với ngành nhựa để hạn chế tác động xấu với môi trường. 

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đã đặt ra mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng bình quân đối với ngành sản xuất nhựa 18 - 22% giai đoạn đến năm 2025 và 21 - 24% giai đoạn đến năm 2030.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), tiêu thụ điện trong lĩnh vực cao su và nhựa tăng từ 5,7 tỷ kWh năm 2016 lên 7,62 tỷ kWh năm 2019.

Bộ Công Thương đã có văn bản quy định cụ thể, có định mức tiêu hao năng lượng cụ thể cho từng loại nhựa. Nhà nước sẽ kiểm tra định mức này thông qua lượng hàng doanh nghiệp sản xuất và bán ra thị trường. Doanh nghiệp nào không đáp ứng phải đóng tiền phạt. 

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này cũng không phải là điều dễ dàng với ngành nhựa. Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký VPA cho biết để đạt được mục tiêu về định mức tiêu hao năng lượng, doanh nghiệp cần phải đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất với chi phí rất lớn. Trong khi đó, 90% doanh nghiệp ngành nhựa chỉ ở quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp.

“Quy định về tiêu hao điện năng mà Bộ Công Thương đưa ra thì gần như ngành nhựa không đáp ứng được. Đến thời điểm này, một số doanh nghiệp lớn đã phản ánh với hiệp hội và họ cho biết không thể đáp ứng được yêu cầu này. Vậy làm sao các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể làm được. Tôi cho rằng Bộ Công Thương cần làm việc lại với hiệp hội để có một định mức mới phù hợp với thực tế. Cần có thời gian và lộ trình làm việc này”, bà Mỹ nhận định. Theo bà cần có định mức riêng phù hợp để áp dụng với từng quy mô doanh nghiệp. 

Bên cạnh quy định về định mức tiêu hao năng lượng, ngành nhựa còn phải đối diện với thách thức liên quan đến quy định phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR).

EPR khi được ban hành và có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến gần như toàn bộ nhóm bao bì của ngành nhựa bao gồm thực phẩm, mỹ phẩm, xi măng, chất tẩy rửa, thức ăn chăn nuôi, thú y…Doanh nghiệp càng mở rộng sản xuất xuất, phí này càng gia tăng. Đối với bao bì, quy định này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024.

EPR được tính dựa trên công thức dưới đây: 

 Số liệu: VPA. (H.Mĩ tổng hợp)

Tỷ lệ tái chế cho 3 năm đầu tiên của các loại bao bì dao động trong khoảng 10 - 22%. 

 

  Số liệu: VPA. (H.Mĩ tổng hợp)

 

Ví dụ một doanh nghiệp sản xuất 100 tấn chai nhựa PET cứng. Theo quy định, tỷ lệ tái chế của loại nhựa này là cao nhất là 22%, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải thu về 22 tấn. Số này nhân với định mức tái chế để ra phí trách nhiệm mở rộng sản xuất EPR.

Tuy nhiên, theo bà Mỹ, tỷ lệ FS hiện đang ở mức cao và nhiều doanh nghiệp đang đấu tranh về con số này để hài hoà lợi ích trong kinh doanh và trách nhiệm bảo vệ môi trường: “Trong khối ASEAN, Việt Nam nước đầu tiên thực hiện EPR do đó chúng tôi mong muốn Chính phủ có mức phí vừa phải để thử nghiệm”.

 Nguồn: Đại học Bách Khoa Hà Nội

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí và thời gian trong việc tái chế, theo bà người dân cần có ý thức phân loại rác ngay từ nguồn. Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 1/1/2025, tất cả người dân đều phải phần loại từ nguồn. 

“Để ngành tái chế phát triển thì điều quan trọng là ý thức phân loại từ nguồn của người dân. Nếu không, các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí để làm điều này”, bà Mỹ nói. 

Ngành nhựa tái chế cũng còn nhiều điểm hạn chế trong sản xuất. Việc sản xuất hạt nhựa đảm bảo yêu cầu cho việc tái chế vẫn còn hạn chế và hầu như phải nhập khẩu và chi phí sản xuất cũng rất cao. Hiện nay mỗi năm ngành nhựa cần khoảng 4.5-5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS, PVC… chưa kể hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau, trong khi khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 20% số nguyên liệu này.

Trong khi đó, với xu thế Net Zero và kinh tế tuần hoàn, ngành nhựa tái chế cần phải được thúc đẩy. Ngay ở thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp nhập khẩu ở thị trường Châu Âu yêu cầu 100% bao bì là sản phẩm tái chế. 

“Hiện nay các doanh nghiệp làm nhựa tái chế còn nhỏ bé, không đủ điều kiện về tài chính và năng lực”, bà Mỹ nói.

Cái khó trong thay đổi tỷ trọng sản phẩm nhựa

Một định hướng khác mà ngành nhựa đang nhắm tới đó chính là thay đổi tỷ trọng. Nhựa gia dụng từ trước đến nay phân khúc trung bình, giá rẻ phát triển rất mạnh nhưng chất lượng không tốt, vòng đời ngắn. Còn với phân khúc khá - cao cấp hạn chế, chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, hoặc doanh nghiệp sản xuất FDI nắm thị phần. Chất lượng của những sản phẩm này tốt, vòng đời dài nhưng giá cao. 

 Số liệu: VPA (H.Mĩ tổng hợp)

Theo Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, các sản phẩm nhựa gia dụng Việt Nam chiếm tới 90% thị phần nội địa và tập trung ở phân khúc bình dân. Tuy nhiên các công ty trong nước đang đánh giá thấp nhu cầu tiêu dùng hàng cao cấp trong nước và không có kế hoạch phát triển dòng sản phẩm cao cấp, phân khúc nhựa gia dụng cao cấp vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Kết quả là mảng nhựa gia dụng cao cấp bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh với những chiến lược bài bản như: hệ thống phân phối hiện đại (hệ thống các cửa hàng bán sản phẩm kết hợp với hợp tác cùng các siêu thị, trung tâm thương mại), đầu tư công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý xem trọng an toàn sức khỏe và phủ kín nhu cầu của người tiêu dùng.

Do đó, để giảm phát thải ra môi trường, ngành nhựa định hướng phát triển phân khúc khá - cao cấp vì vòng đời dài. Do đó, số lượng sản phẩm sẽ giảm nhưng chất lượng sẽ tăng lên. Hiện tại ngành nhựa gia dụng chiếm khoảng 23%. 

Với nhóm nhựa xây dựng và kỹ thuật (chiếm 21% và 9%) được định hướng sẽ tăng tỷ trọng trong tương lai với kỳ vọng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, mang theo thiết bị phụ trợ của họ, thay thế một phần chuỗi cung ứng từ nước ngoài.

Nhóm bao bì sẽ vẫn giữ vị trí ngôi vương và tỷ trọng sẽ còn tăng hơn nữa nhưng sẽ tập trung vào sản phẩm tái chế. 

Tuy nhiên, việc thay đổi tỷ trọng này cũng đặt ra đầy thách thức với ngành nhựa khi nó gắn liền với chi phí. Chẳng hạn như nhựa bao bì, một bao bì snack, bánh kẹo, bột giặt có tới 5 lớp nguyên liệu khác nhau và không thể tái chế.

Phương án xử lý hiện nay là đốt hoặc chôn lấp, không có lợi cho môi trường. Hiện, các nhà sản xuất bao bì thế giới đã chế tạo ra vật liệu mới thay thế cho cả 5 lớp vật liệu truyền thống và có thể tái chế. Tuy nhiên, giá thành sản xuất cao hơn rất nhiều lần. Điều này đồng nghĩa, giá bán cũng sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ. 

Điều tương tự cũng sẽ xảy ra định hướng nâng cao chất lượng nhựa gia dụng và giảm số lượng xuống. 

Theo bà Mỹ thách thức của ngành nhựa hiện tại là thuyết phục khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm tái chế bằng việc truyền thông để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Còn với ngành nhựa kỹ thuật, rào cản lớn nhất là đầu ra sản phẩm chưa ổn định trong khi suất đầu tư lại rất lớn. 

“Ngành nhựa kỹ thuật muốn phát triển cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp mới dám đầu tư. Vấn đề hiện tại là không có đầu ra”, bà Mỹ cho biết. 

Ngành nhựa mong sớm đẩy nhanh thị trường tín chỉ carbon

Về vấn đề phát thải carbon, ngành nhựa thuộc nhóm phát thải nhiều nhưng rất khó hấp thụ khí nhà kính để đạt mục tiêu Net Zero. Do đó, các doanh nghiệp phải tính đến việc mua tín chỉ carbon. 

Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được vạch rõ.

Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Trước những yêu cầu ngày càng lớn về quy định bảo vệ môi trường của thị trường nhập khẩu, một số doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh hơn việc thành lập sàn giao dịch carbon. 

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Tái sinh Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn việc này sẽ được đẩy nhanh hơn từ năm 2025 bởi hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam không hỏi nhiều về chi phí lao động là bao nhiêu nữa. Thay vào đó họ sẽ hỏi năng lượng xanh của chúng tôi sẽ lấy từ đâu? Chúng tôi sẽ trao đổi carbon ở đâu?”, ông Vượng nói. 

Ông Vượng nói thêm hiện nay một số nước như Mỹ, châu ÂU đã áp dụng những chính sách bảo vệ môi trưởng mới lên hàng hoá nhập khẩu. 

“Chúng tôi tin thời gian tới Nhật Bản và Trung Quốc cũng sẽ soạn thảo những luật tương tự”, ông Vượng nói. 

 

H.Mĩ