|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập: Xanh hoá là khoản đầu tư xứng đáng của doanh nghiệp

07:00 | 13/02/2024
Chia sẻ
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng với xanh hoá, doanh nghiệp nào đi trước sẽ có lợi thế chiếm lĩnh thị phần “hàng hóa xanh” ở các thị trường. Đây cũng là sức ép hợp lý để doanh nghiệp chuyển đổi, nắm bắt cơ hội.

Thời gian gần đây, “tăng trưởng xanh, ESG, phát triển bền vững”… là những từ khoá nổi bật trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là mảng xuất khẩu.

Chúng tôi đã cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu khi thực hiện xanh hoá.

Xanh hoá là khoản đầu tư xứng đáng

Đứng trước xu hướng “xanh hoá”, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có cơ hội và thách thức thế nào, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Kinh tế xanh, sạch đang là xu hướng mà nhiều thị trường theo đuổi, trong đó có những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe hơn, không chỉ đòi hỏi của cơ quan quản lý, mà còn là lựa chọn của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng ở các thị trường này.

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu muốn kinh doanh lâu dài với khách hàng ở đây đều sẽ phải quan tâm tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất để tuân thủ các quy định quản lý Nhà nước và đáp ứng các đòi hỏi của khách hàng.

Với phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, việc đáp ứng các tiêu chuẩn đang có đã là vất vả, thì các tiêu chuẩn xanh mới khó khăn hơn, tất nhiên sẽ là những thách thức không nhỏ, cả về vốn liếng, kinh nghiệm và công nghệ.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xác định đây là những yêu cầu không thể tránh ở thị trường xuất khẩu, đồng thời cũng là chiến lược phát triển lâu dài, hơn nữa ai đi trước có thể sẽ có lợi thế lớn hơn để chiếm lĩnh thị phần “hàng hóa xanh”. Đây có thể là sức ép hợp lý để doanh nghiệp chuyển đổi, nắm bắt cơ hội.

Cũng xin lưu ý thêm rằng không chỉ ở thị trường xuất khẩu, sản xuất kinh doanh xanh và bền vững cũng đang dần trở thành các tiêu chuẩn pháp lý ở Việt Nam.

Với các quy định như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các tiêu chuẩn cao về môi trường đối với sản xuất và phát thải, các yêu cầu thống kê phát thải CO2 trong một số ngành.

Do đó, việc thực hiện tiêu chuẩn xanh với các doanh nghiệp xuất khẩu có thể là “một công đôi việc”, vừa để đáp ứng quy định trong nước, vừa để xuất khẩu bền vững ở thị trường nước ngoài.

 

Thị trường EU đang dẫn dắt các quy định về xanh hoá. Bà có khuyến cáo thế nào cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này nói riêng, thế giới nói chung?

TS. Nguyễn Thị Thu Trang: EU với gói chính sách xanh có tên “Thỏa thuận Xanh châu Âu” đang là khu vực đi đầu trên thế giới trong các hành động “xanh hóa”.

Cụ thể, thông qua hàng chục chương trình hành động, chiến lược, chương trình thực thi Thỏa thuận Xanh, EU đang áp đặt các tiêu chuẩn xanh cụ thể và theo lộ trình ở hầu khắp khía cạnh trong đời sống kinh tế ở EU. Hàng hóa nhập khẩu vào khu vực này vì vậy cũng đang và sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn này.

Hiện tại, nông sản thực phẩm (cà phê, hạt tiêu) hay đồ gỗ, sắt thép, phân bón, xi măng… nhập khẩu vào EU đã bắt đầu phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh mới như Luật chống phá rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM), các quy định về hạn chế sử dụng nông hóa phẩm độc hại…

Trong kế hoạch của EU, thời gian tới sẽ có thêm nhiều tiêu chuẩn xanh được ban hành, và nhiều mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như hàng điện tử, dệt may, da giày… có thể sẽ lần lượt được “gọi tên”.

Do đó, doanh nghiệp làm ăn với thị trường này cần đặc biệt chú ý các diễn biến chính sách, quy định “xanh” này để kịp thời điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu.

Điều cần chú ý là nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm khác của Việt Nam cũng đang có những kế hoạch xanh tương tự EU, ví dụ Anh, Nhật Bản, Canada, Mỹ… cũng đang cân nhắc về CBAM.

Như vậy, không chỉ thị trường EU, mà doanh nghiệp dù xuất khẩu sang thị trường nào cũng cần đặc biệt quan tâm tới các động thái “xanh, bền vững”.

Nhìn một cách tích cực, doanh nghiệp nếu đã sẵn sàng cho các yêu cầu xanh của EU thì cũng có thể tự tin với nhiều thị trường khác. Đầu tư cho sản xuất, tiêu chuẩn xanh vì thế có thể là khoản đầu tư xứng đáng cho một tương lai xuất khẩu bền vững và rộng mở của doanh nghiệp.

Xuất khẩu nông sản năm 2023: Mừng và lo

Nhìn lại câu chuyện 2023, nhiều ngành hàng chịu tác động bởi  lạm phát cao, song nông sản lại có bước tiến vượt bậc, đặc biệt là gạo và rau quả. Theo bà, đây là cơ hội nhất thời hay bền vững của ngành nông sản?

TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt 27 tỷ USD, tăng 19% so với 2022, trở thành một trong những điểm sáng đáng chú ý nhất của xuất khẩu Việt Nam năm 2023. Bùng nổ nhất phải kể đến tăng trưởng kim ngạch của rau quả (tăng 69%) và gạo (38%), mà chủ yếu là nhờ các động lực từ bên ngoài.

Động lực đầu tiên đến từ thị trường Trung Quốc, thị trường xuất khẩu số 1 của rau quả Việt Nam. Sau hai năm hạn chế, cánh cửa vào thị trường Trung Quốc đã mở trở lại hoàn toàn sau khi nước này bỏ chính sách Zero-COVID hồi đầu năm 2023.

Cũng trong thời gian này, Trung Quốc đã chấp thuận cấp phép xuất khẩu chính ngạch thêm một loạt các loại rau quả như chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang của Việt Nam, tạo điều kiện để rau quả tiến vào thị trường này một cách ổn định, thuận lợi.

Thêm nữa, năm 2023, thị trường Trung Quốc xuất hiện một số trào lưu tiêu dùng mới dẫn tới nhu cầu tăng đột biến với một số loại nông sản Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng.

Yếu tố thứ hai là tình trạng nguồn cung lương thực trên thế giới thiếu hụt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xung đột leo thang ở nhiều nơi, dẫn tới giá lương thực, đặc biệt là mặt hàng gạo.

Cuối cùng là lợi thế về ưu đãi thuế quan mà nông sản Việt Nam có được ở nhiều thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nông sản Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế quan cao.

Nhìn về tương lai, trong ngắn hạn những yếu tố động lực nói trên chưa có dấu hiệu thay đổi lớn, vì thế nhiều ý kiến vẫn cho rằng cơ hội cho nông sản có thể vẫn còn trong năm 2024.

Tuy nhiên, cơ hội này ở mức độ nào và có bền vững hay không thì rất khó đoán định. Bởi, giá lương thực có thể sẽ hạ nhiệt, lợi thế ưu đãi thuế quan có thể bão hòa khi các đối thủ cạnh tranh cũng có FTA…

 

Như bà nói đầu câu chuyện, kết quả này vừa mừng, vừa lo. Vậy bà đang lo ngại điều gì?

TS. Nguyễn Thị Thu Trang: Chúng ta cần lưu ý rằng dù đạt kim ngạch kỷ lục, xuất khẩu nông sản năm 2023 đồng thời phải đối mặt với nhiều cảnh báo vi phạm quy định về kiểm dịch, về vệ sinh an toàn thực phẩm ở cả các thị trường trung bình (Trung Quốc) hay khó tính (EU, Nhật Bản…).

Do vậy, để tranh thủ tận dụng cơ hội thị trường trước mắt, cũng như để duy trì xuất khẩu nông sản bền vững, nông dân và doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản, quy trình sản xuất minh bạch, cho phép truy xuất nguồn gốc và phải làm điều này một cách ổn định và thường xuyên.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần tranh thủ tận dụng các ưu đãi thuế quan và theo dõi, cập nhật, tuân thủ các quy định mới của thị trường nhập khẩu.

Về phía các cơ quan Nhà nước, việc tăng cường trao đổi, làm việc để mở rộng danh sách nông sản được phép nhập khẩu ở các thị trường có yêu cầu, xúc tiến thương mại và đàm phán mở cửa thị trường mới cho nông sản Việt Nam sẽ là hướng đi để giúp tăng trưởng xuất khẩu nông sản bền vững, mà không phải chỉ phụ thuộc vào sự biến động giá hay nhu cầu nhất thời của thế giới.

Trân trọng cảm ơn bà!

Phạm Mơ

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.