|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dư nợ tín dụng xanh tại nhiều ngân hàng còn thấp, nhà băng gặp khó trong thẩm định dự án xanh

12:22 | 09/09/2023
Chia sẻ
Tại hội thảo “Tín dụng xanh-Việt Nam không thể chậm chân tới net zero”, các đại diện ngân hàng cho biết còn gặp những khó khăn trong thẩm định dự án xanh. Các ngân hàng mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ NHNN, các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế trong việc hoàn thiện tiêu chí, quy định liên quan đến tài chính xanh.

Dư nợ tín dụng xanh tại nhiều ngân hàng còn thấp

Trong phần phát biểu mở đầu hội thảo “Tín dụng xanh-Việt Nam không thể chậm chân tới net zero” do Báo Lao động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo đang là hướng đi của nhiều nền kinh tế.

Do đó, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều cam kết để giảm phát thải nhà kính, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (net zero) vào năm 2050. 

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Báo Lao động).

Theo ước tính của World Bank, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn từ 2022 đến 2045 để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh (tương đương 6,8% GDP mỗi năm). Trong đó, khối tư nhân sẽ đóng góp 184 tỷ USD, Chính phủ đóng góp 130 tỷ USD và những nguồn khác từ bên ngoài là 64 tỷ USD.

Theo KPMG, để tăng trưởng xanh và kinh tế xanh đạt được các mục tiêu đã đề ra thì việc thu hút và điều phối nguồn tài chính xanh là hết sức quan trọng, trong đó các ngân hàng sẽ đóng vai trò chủ đạo bởi mọi hoạt động trong xã hội đều cần nguồn vốn làm nền tảng và cơ chế tín dụng đóng vai trò định hướng đầu tư. 

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngành ngân hàng, với vai trò là kênh dẫn vốn đã tích cực hướng dòng vốn vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh. 

Nhờ những nỗ lực của NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD), trong giai đoạn 2017 đến 2022, dư nợ tín dụng với các lĩnh vực xanh ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên tới 23%/năm. Cuối tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế. 

Dư nợ xanh đang chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). 

Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN, được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á.

Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược Ngân hàng, tỷ trọng tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại (NHTM) không đồng đều. 52,27% NHTM có tỷ trọng tín dụng xanh dưới 1%; chỉ 20,45% NHTM có tỷ trọng này từ 1 đến 3%. 9 ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh lớn nhất đã chiếm tới 90,51% tổng dư nợ xanh toàn hệ thống. 

Trong đó, một số ngân hàng đạt quy mô dư nợ tín dụng xanh cao là NH Chính sách Xã hội: 197.204 tỷ đồng, NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): 63.773 tỷ đồng, NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank): 47.480 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB): 44.148 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội (ESG) mới chỉ được một số ngân hàng triển khai. Cụ thể, đã có 30,7% NHTM xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro, 21,9% thành lập được bộ phận, đơn vị chuyên trách về đánh giá rủi ro ESG, 30% thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và chỉ khoảng 20% có báo cáo đã kiểm toán riêng biệt, đánh giá một cách có hệ thống rủi ro liên quan đến môi trường. 

Ngân hàng gặp khó trong thẩm định dự án xanh

Trong bài tham luận, đại diện NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết ngân hàng đang ưu tiên hoạt động cấp tín dụng cho các dự án xanh, tích cực tham gia những dự án về bảo vệ môi trường, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Ngân hàng cũng hỗ trợ cho những dự án nông nghiệp an toàn với lãi suất giảm từ 0,5% đến 1,5%/năm. 

Kết quả là đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 12.000 tỷ đồng với hơn 43.000 khách hàng (98% là khách hàng cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác ...).

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, Agribank còn cho vay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng gió với những dự án quy mô lớn như điện gió Phương Mai I, điện gió Hữu Trung Nam. Agribank cũng đang tích cực triển khai bộ tiêu chuẩn ESG trong hệ thống. 

Dư nợ tín dụng của Agribank cho lĩnh vực xanh tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn trước COVID.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng,Giám đốc Ban Tài trợ dự án của BIDV, dư nợ tín dụng xanh tại ngân hàng trong giai đoạn 2019 - 2022 tăng trưởng bình quân 45%/năm. Tính đến cuối tháng 6, BIDV đang cấp tín dụng lĩnh vực xanh cho hàng nghìn dự án với dư nợ trên 66.000 tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng khoảng 4% tổng dư nợ. 

Dự kiến tới năm 2025, danh mục cho vay các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững của BIDV đạt 3 tỷ USD, chiếm 5% tổng dư nợ của ngân hàng. Kể từ năm 2018, BIDV đã hạn chế cấp tín dụng cho những lĩnh vực ảnh hưởng tới môi trường, và dự kiến tới năm 2035, ngân hàng sẽ không còn dư nợ cho dự án nhiệt điện, điện than. 

Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Ban Tài trợ dự án BIDV. (Ảnh: Báo Lao động).

Tuy nhiên, đại diện BIDV cho biết ngân hàng đang gặp một số khó khăn cho vấn đề thẩm định, lựa chọn dự án tín dụng xanh. Hiện tại, Việt nam chưa có cơ sở, căn cứ cụ thể để xác định và phân loại dự án xanh, gây khó khăn cho các NHTM. Những hành lang pháp lý để triển khai hệ thống ESG, tín dụng xanh vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Do đó, ông Hưng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ban ngành sớm hoàn thiện khung pháp lý, chính sách tổng thể liên quan đến tài chính bền vững, tín dụng xanh, đưa ra định hướng phát triển cho từng ngành để đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050. 

Trước mắt, ông cho rằng cần sớm ban hành Tiêu chí phân loại dự án xanh, hướng dẫn công bố thông tin tài chính khí hậu theo chuẩn quốc tế; đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể, định hướng NHTM tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho tín dụng xanh.

Ông Hưng nhận định rằng : “Các cơ chế, khuyến khích của Chính phủ, NHNN khi triển khai cấp tín dụng xanh hiện đang dừng ở mức khuyến khích chung”.

“Hiện vẫn chưa có cơ chế ghi nhận, đánh giá, xếp hạng đối tổ chức tín dụng có thành tích tốt trong hoạt động cấp tín dụng xanh, cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn/ kênh tiếp cận nguồn vốn thực sự hiệu quả để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tín dụng xanh”, ông nói

“Nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay”, ông giải thích.

Về nguồn nhân lực của đơn vị khi triển khai tín dụng xanh, ông Hưng cho rằng còn hạn chế về kiến thức kỹ thuật chuyên ngành về môi trường, các yếu tố xanh và bền vững trong việc triển khai tín dụng xanh.

Ông kiến nghị các cơ quan cần đẩy mạnh công tác đào tạo để các tổ chức tín dụng nắm rõ các tiêu chí, quy định liên quan đến dự án xanh, tín dụng xanh ngay khi các văn bản quy định được ban hành, cũng như mời tổ chức chuyên môn, định chế uy tín để chia sẻ kiến thức, tư vấn kỹ thuật cho các TCTD trong nước. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng ban chỉ đạo thường trực ESG của Agribank cũng đồng tình với quan điểm của phía BIDV. Bà nói: "Giải pháp, chính sách, chiến lược của Agribank có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách của các Bộ ngành và Chính phủ cũng như các tổ chức tư vấn quốc tế” . 

Minh Quang