Phó Tổng Giám đốc Vietjet: Chuyển đổi xanh không phải cuộc chơi mà là sứ mệnh cần thực hiện
Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu này, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg với 04 mục tiêu: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc công bằng.
Điều đó cho thấy, tăng trưởng xanh hiện không còn là một khái niệm xa lạ mà là xu thế tất yếu trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh": Tăng trưởng xanh phải bình đẳng, không ai bị bỏ lại phía sau diễn ra ngày 27/6, ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho rằng, Net Zero đang là xu hướng, đặc biệt với ngành hàng không, một lĩnh vực đa quốc gia có tính quốc tế hóa cao, phải tuân thủ nhiều chuẩn mực quốc tế...
"Vì thế, nếu chúng ta không đón đầu xu hướng thì sẽ gặp khó khăn khi các quốc gia, khu vực đưa ra các quy định chặt chẽ hơn”, ông Thắng nói.
Ví dụ như, năm 2016 Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã thông qua chương trình giảm thải và bù đắp khí CO2. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) ngày 14/10/2020 cũng đã cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 năm 2050, Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Thông tư 22 về việc quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng.
“Tôi nghĩ đây không phải là cuộc chơi mà là sứ mệnh mà chúng ta phải chủ động và tích cực thực hiện", ông Thắng nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Vietjet cũng cho hay, hãng hàng không này hiện đã thực hiện các chuyến bay ít phát thải CO2 bởi để thực hiện mục tiêu xanh hoá đi cùng với đó là quản trị các nguồn lực và chi phí, các hãng hàng không đều cố gắng giảm phát thải.
Theo ông Thắng, hiện 40% - 60% chi phí hàng không đến từ nhiên liệu bay, với 1 tấn JetA1 sẽ thải ra 3,16 tấn CO2, một con số rất khủng khiếp. Vì vậy, để giảm mức phát thải và tiêu thụ nhiên liệu, Vietjet đã đầu tư đội tàu bay trẻ, hiện nay, sử dụng công nghệ động cơ mới giúp tiết kiệm 20% nhiên liệu, phi công cũng được đào tạo về việc sử dụng các chế độ động cơ cho phù hợp để tối ưu hoá chi phí.
Thông tin thêm về vấn đề nhiên liệu bay với ngành hàng không, ông Tô Việt Thắng cho biết, để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, hàng không phải sử dụng loại nhiên liệu bền vững SAF, nhiên liệu này chiếm 65% khả năng giảm thải CO2 song chi phí khá cao.
Hiện, công nghệ hàng không cho phép trộn dần nhiên liệu bền vững với nhiên liệu thường. Quy định này không phải chỉ một số quốc gia áp dụng mà ICAO và IATA cũng đưa ra lộ trình bắt buộc phải sử dụng.
Vietjet cũng đã và đang chuyển đổi số không sử dụng giấy tờ, quy trình nhanh chóng, thuận tiện cũng giúp giảm thời gian chờ cất cánh, từ đó tiết kiệm nhiên liệu. Còn trên máy bay, Vietjet đang sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường như khay suất ăn làm từ vật liệu tre, mo cau,..Định hướng đến một chuyến bay xanh.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh, khi có định hướng sớm về chiến lược thì các doanh nghiệp sẽ lựa chọn công nghệ, giải pháp đã đúng ngay từ đầu, từ đó giúp tiết kiệm rất nhiều trong quá trình thực thi, triển khai.
Những doanh nghiệp đi đầu, triển khai sớm về chuyển đổi xanh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, Chính phủ, các tổ chức và các nhà sản xuất,…Nhờ vậy, Vietjet có lợi thế và sẵn sàng cho chuyển đổi xanh, Phó Tổng Giám đốc Vietjet khẳng định.