|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hoạt động phụ trợ của Vietjet tạo doanh thu vượt xa bay nội địa, bay quốc tế

06:57 | 04/05/2023
Chia sẻ
Quý I vừa qua, hoạt động phụ trợ đem về cho Vietjet 4.323 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng doanh thu của hãng hàng không giá rẻ này.

Một phần doanh thu phụ trợ của Vietjet đến từ việc bán đồ ăn, đồ uống, quà lưu niệm trên chuyến bay. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong khi các hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines (Mã: HVN) kiếm tiền chủ yếu từ việc bán vé máy bay cho hành khách di chuyển nội địa và quốc tế, hãng hàng không giá rẻ như Vietjet (Mã: VJC) lại chú trọng vào việc tăng doanh thu từ các hoạt động phụ trợ như phí hành lý, hành lý quá cước, phí hủy và thay đổi chuyến bay, tiền bán nước, đồ ăn, quà lưu niệm trên chuyến bay, ….

Vé của hãng hàng không khác đã bao gồm nước uống và đồ ăn nhẹ trên chuyến bay, còn Vietjet tách riêng nước uống và đồ ăn khỏi giá vé, chỉ phục vụ cho những hành khách có nhu cầu mua. Do vậy, tỷ trọng doanh thu hoạt động phụ trợ của Vietjet thường cao hơn các hãng bay truyền thống.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa qua, hoạt động phụ trợ đem về cho Vietjet 4.323 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng doanh thu và cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Biểu đồ dưới đây cho thấy doanh thu vận chuyển hành khách nội địa và quốc tế đóng góp dưới 25% trong cơ cấu doanh thu quý đầu năm 2023.

Quý I/2023, doanh thu của Vietjet tăng trưởng 185% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động phụ trợ chiếm gần 34%. Tại Vietnam Airlines, hoạt động phụ trợ chỉ đóng góp 3,5% trong tổng doanh thu 23.640 tỷ đồng của quý vừa qua.

Doanh thu từ hoạt động thu xếp, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ quý vừa qua là 1.586 tỷ đồng, tăng trưởng gần 78% so với cùng kỳ 2022.

Hiện nay, Vietjet đang đặt hàng mua hơn 300 tàu bay mới, bao gồm 200 chiếc Being 737 MAX và hơn 100 chiếc từ Airbus. Khi tiếp nhận, Vietjet sẽ không sử dụng tất cả hơn 300 chiếc này mà sẽ bán lại một số chiếc cho các hãng khác có nhu cầu.

Vì Vietjet đặt mua số lượng lớn nên đàm phán được mức giá và các điều khoản thanh toán thuận lợi, giúp hãng có lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và giá bán tàu bay.

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 26/4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết việc Vietjet hưởng chênh lệch giá từ mua sỉ - bán lẻ tàu bay là hoàn toàn “bình thường” và “chính đáng”, không phải “game tài chính” như nhiều người lầm tưởng.

Trong quý I vừa qua, Vietjet thu 1.586 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng tàu bay và động cơ, đồng thời ghi nhận giá vốn của hoạt động này là 1.473 tỷ đồng, tương ứng với lợi nhuận gộp 113 tỷ đồng.

Quý I năm ngoái, hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận doanh thu 893 tỷ và giá vốn 690 tỷ từ hoạt động chuyển nhượng tàu bay và động cơ, ứng với lãi gộp 203 tỷ đồng.

Quầy tự làm thủ tục của Vietjet. (Ảnh: Song Ngọc).

Nhìn chung, các nguồn doanh thu của Vietjet trong quý đầu năm 2023 đều tăng trưởng mạnh so với một năm trước. Doanh thu hoạt động phụ trợ gấp 4 lần, doanh thu bay nội địa gấp đôi cùng kỳ, bay quốc tế gấp 38 lần, doanh thu bán tàu bay và động cơ tăng 78%, cho thuê chuyến bay tăng 86%, cho thuê khô tàu bay thêm 28%, ….

Vietjet cho biết hãng đã thực hiện 31.300 chuyến bay và vận chuyển 5,4 triệu lượt khách trong quý I/2023, tăng trưởng lần lượt 57% và 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Vietjet cũng đã mở thêm 10 đường bay mới, trong đó 4 đường bay nội địa và 6 đường bay quốc tế, nâng tổng số đường bay vào cuối tháng 3 lên 55 nội địa và 50 quốc tế.

Đồng thời, hoạt động vận chuyển hàng hoá cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực với sản lượng hơn 14.800 tấn, tăng 20% so với quý I/2022.

Kết quả quý I vừa qua, Vietjet báo lãi sau thuế hợp nhất 173 tỷ đồng, khả quan hơn đáng kể khoản lỗ 2.262 tỷ đồng của cả năm 2022. 

 

Ít ngày trước khi công bố báo cáo tài chính quý I, Vietjet có sự thay đổi trong nhân sự cấp cao mảng kế toán. Cụ thể, vào hôm 28/4, Vietjet miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Phạm Ngọc Thoa, đồng thời bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Nga làm quyền Kế toán trưởng.

Trước đó vào hôm 26/4, đại hội cổ đông thường niên của Vietjet đã bầu bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) – làm Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 – 2027 với tỷ lệ phiếu bầu 99,75%.

Bà Yến Phương sinh năm 1967 tại Thừa Thiên Huế. Trước khi bắt đầu làm Phó Tổng Giám đốc kiêm CEO của Vietjet từ tháng 8/2018, bà Phương từng là Trưởng ban Tài chính (Group CFO) tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Thành viên HĐQT Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), Phó Tổng Giám đốc kiêm CFO của PV Drilling.