Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Thu nhập của Vietjet từ bán tàu bay là rất chính đáng, không phải ‘game’ tài chính
Mở rộng đội tàu bay, nhận nguồn thu ‘chính đáng’
Năm 2022, đội tàu bay của Vietjet có 75 chiếc, giảm một chiếc so với 2021. Đại hội thường niên năm 2023 tổ chức ngày 26/4 vừa qua đã thông qua phương án nâng đội tàu bay lên 87 chiếc, tức là tăng 12 chiếc so với năm ngoái, bao gồm 7 – 9 chiếc thân rộng Airbus A330.
Theo thống kê của planespotters.com, hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện nay có 77 tàu bay, nhiều thứ 2 Việt Nam chỉ sau Vietnam Airlines (Mã: HVN).
Tổng Giám đốc Đinh Việt Phương cho biết ngay trong tuần này, Vietjet nhận về ba chiếc A321 ACF mới xuất xưởng từ Hamburg (Đức) để phục vụ nhu cầu trong đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Đây là dòng máy bay thân hẹp hiện đại nhất của Airbus hiện nay, ông Phương cho hay.
Tại đại hội cổ đông chiều 26/4, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo nói thêm về đội tàu bay của hãng: “Vietjet có hơn 300 tàu bay đã đặt hàng Boeing và Airbus mà chúng ta sẽ nhận trong những năm tới”.
“Năm trước, chúng ta có thu nhập từ bán tàu bay. Về hoạt động đặc thù này, ở bên ngoài nhiều khi không có thông tin về đơn đặt hàng của Vietjet, nhiều người có các đánh giá chưa chính xác, tưởng đây là một game gì về tài chính. Thực ra việc này rất bình thường”, bà Thảo chia sẻ.
“Chúng ta đặt một số lượng lớn tàu bay, nhận trong thời gian dài theo kế hoạch, nhờ đó chúng ta có được những điều khoản với giá tốt hơn thị trường. Khi chúng ta bán những tàu bay này ra thị trường, chúng ta có lãi. Chênh lệch ở đây là rất chính đáng thôi, mua sỉ rồi bán lẻ ra thị trường, tiền thật thu về là chênh lệch thực tế”.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho thấy trong năm 2022, Vietjet ghi nhận xấp xỉ 10.000 tỷ đồng doanh thu từ chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, giá vốn tương ứng là 5.587 tỷ đồng. Như vậy, Vietjet có lãi gộp 4.396 tỷ đồng riêng từ việc mua bán tàu bay, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung.
Thống kê của Airbus cho thấy Vietjet đặt mua tổng cộng 186 tàu bay và đã nhận 72 chiếc. Boeing thì cho biết hãng hàng không giá rẻ đến từ Việt Nam đặt mua 200 chiếc 737 MAX và chưa nhận bàn giao chiếc nào.
Dòng Boeing 737 MAX từng bị cấm bay trên toàn cầu trong gần hai năm sau hai vụ tai nạn xảy ra vào ngày 29/10/2018 và 10/3/2019. Chủ tịch Vietjet cho biết Boeing đã làm việc không mệt mỏi để khắc phục các vấn đề, giúp cho 737 MAX ngày nay trở nên rất an toàn.
Một số hãng hàng không trên thế giới thường sử dụng nghiệp vụ sales and leaseback (SLB) để xây dựng đội tàu bay.
Cụ thể, hãng bay sẽ đặt mua một số lượng lớn tàu bay từ các nhà sản xuất như Airbus và Boeing để được hưởng giá chiết khấu. Sau khi nhận bàn giao, hãng sẽ bán các tàu bay này cho các công ty cho thuê và lập tức ghi nhận doanh thu, giá vốn và lợi nhuận từ thương vụ mua bán này.
Nếu hãng không có nhu cầu sử dụng tàu bay thì mọi việc đến đây là xong. Nếu có nhu cầu khai thác, hãng sẽ thuê lại chính chiếc tàu bay vừa bán, hàng năm trả chi phí thuê. Như vậy, nghiệp vụ sales and leaseback cho phép hãng hàng không ghi nhận một lượng lớn doanh thu và lợi nhuận trước mắt, đồng thời kéo theo chi phí thuê trong những năm sau.
Duy trì đội bay trẻ
Chủ tịch HĐQT Vietjet cho biết hãng có thể không bán lại tất cả số tàu bay đã mua mà sẽ giữ lại một số chiếc. “Nếu có điều kiện thuận lợi thì chúng ta giữ lại các tàu bay này, thu xếp nguồn tài chính dài hạn để sở hữu tàu bay. Chúng ta có thể thuê tài chính để dần dần sở hữu và thanh toán tiền thuê”.
Vietjet hiện có kế hoạch khai thác khoảng 100 tàu bay, tại sao đặt hàng mua tới 300 – 400 chiếc? Bà Thảo cho biết mỗi tàu bay đều có một tuổi đời vận hành. Nếu muốn duy trì một đội tàu trẻ trung thì khi nhận tàu bay mới được sản xuất, hãng sẽ loại bỏ các tàu bay cũ hơn, để đội tàu của Vietjet luôn trong trạng thái mới, hoạt động hiệu quả.
Theo thống kê của planespotter.com, loại tàu bay chiếm tỷ trọng lớn nhất của Vietjet hiện nay là Airbus A321 với 52 chiếc, có tuổi đời trung bình 5,3 năm. Tuổi trung bình của toàn đội bay Vietjet là 6,9 năm, trong khi con số của Bamboo Airways và Vietnam Airlines cùng là 8,2 năm.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Sơn cho biết việc duy trì đội bay trẻ giúp Vietjet tiết kiệm chi phí hoạt động, đặc biệt là nhiên liệu bay.