Bán và thuê lại máy bay: Có còn là 'thần dược' cho các hãng hàng không mới?
Tăng trưởng như nấm sau mưa rào
Nửa đầu năm nay, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) - công ty con của CTCP Tập đoàn FLC ký 2 thỏa thuận đặt mua tổng cộng 44 máy bay trị giá 8,7 tỉ USD từ Airbus và Boeing. Nhiều khả năng Bamboo Airways cũng sẽ sử dụng mô hình SLB vì tổng giá trị 2 thương vụ mua bán này lớn gấp nhiều lần tổng tài sản của công ty mẹ Tập đoàn FLC.
Nếu khả năng này đúng, Bamboo Airways không phải là hãng hàng không đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình này. Ngoài Jetstar Pacific, các hãng hàng không trong nước đều triển khai bán - thuê lại (sale and leaseback) để phát triển đội bay của mình. Và trên thế giới cũng vậy.
Nhờ nhiều ưu điểm hấp dẫn so với sở hữu trực tiếp, hoạt động thuê máy bay có những bước phát triển vượt bậc trong vài thập kỷ qua. Nếu như năm 1970 chỉ có 0,5% số máy bay là được thuê thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên 47% với khoảng 12.700 chiếc, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép 15%/năm. Trong khi đó, tổng số máy bay chỉ tăng trung bình 4%/năm.
Diễn biến hoạt động cho thuê máy bay từ năm 1970 và dự báo đến 2020. Nguồn: ICF/ Boeing Capital Corporation 2014 Outlook |
Số lượng những công ty cho thuê lớn với đội thuê có giá trị trên 1 tỉ USD cũng tăng gấp đôi trong 10 năm qua, trong đó lớn nhất là GECAS và AerCap. Đa số các công ty này đều hoạt động ở Ireland nhờ ưu đãi về thuế.
Top 20 công ty cho thuê máy bay lớn nhất trên thế giới tính đến cuối 2017, gồm những chiếc đã và đang hoạt động. Nguồn: ICF/AirFinance Journal |
Khu vực châu Mỹ Latin có tỉ lệ máy bay thuê hoạt động cao nhất thế giới với 59%. tỉ lệ này ở Châu Âu cũng khá lớn do đây là khu vực có nhiều hãng hàng không giá rẻ. Ở châu Á – Thái Bình Dương, tỉ lệ máy bay thuê hoạt động là 42% còn ở Bắc Mỹ chỉ là 30% do thị trường vốn ở đây phát triển, cho phép các hàng không mua và sở hữu máy bay.
Cơ cấu đội bay tại các khu vực trên thế giới, tháng 11/2017. Nguồn: ICF, CAPA |
Trong các loại hình thuê máy bay thì bán - thuê lại (sale and leaseback - SLB) là phổ biến nhất. Theo mô hình này, các hãng hàng không đặt mua máy bay từ nhà sản xuất, bán cho công ty cho thuê rồi thuê lại chính chiếc máy bay đó.
Đôi bên cùng có lợi
Đối với các hãng hàng không - đặc biệt là những hãng mới thành lập, tiềm lực tài chính yếu, mô hình SLB đem đến nhiều lợi ích như:
Hưởng chiết khấu cao khi đặt mua nhiều máy bay từ các hãng sản xuất như Boeing hay Airbus: Tùy theo giá trị đơn hàng cụ thể mà tỉ lệ chiết khấu so với giá niêm yết có thể lên tới 40 – 70%.
Tiền đặt cọc thấp: Các hãng hàng không khi đặt mua máy bay chỉ cần đặt trước 1 – 5% giá trị đơn hàng. Điều khoản này cho phép các hãng hàng không mới, quy mô nhỏ có thể tậu một số lượng máy bay lớn mà không cần bỏ ra quá nhiều vốn ban đầu.
Tăng doanh thu, đẹp báo cáo tài chính: Sau khi nhận máy bay, các hãng hàng không lập tức bán lại cho các công ty cho thuê máy bay, hưởng lợi nhuận khoảng 5-10%, rồi thuê lại chính những máy bay này. Số tiền thu được từ bán máy bay làm doanh thu của các hãng tăng lên đáng kể.
Linh động trong cơ cấu đội bay: các hãng có thể thuê tạm thời một số máy bay để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời gian ngắn.
Tiếp cận các loại máy bay hiện đại, hiệu suất cao: Do thời gian thuê thường ngắn hơn nhiều so với tuổi đời của một máy bay nên các hãng hàng không có thể thay đổi loại máy bay theo nhu cầu, thị hiếu.
Giả sử một hãng hàng không BB đặt mua 44 chiếc máy bay với tổng giá trị niêm yết 9 tỉ USD. Để được nhận máy bay, BB chỉ cần đặt cọc tới 5% giá trị hợp đồng, tức 450 triệu USD.
Vì mua với số lượng lớn nên hãng này có thể được chiết khấu tới 50% và chỉ cần phải trả thanh toán khoảng 4,5 tỉ USD.
Sau khi nhận máy bay, BB bán lại những chiếc máy bay này với giá 4,95 tỉ USD ghi nhận vào doanh thu, đồng thời thu lợi 10%. Sau đó BB thuê lại chính những chiếc máy bay mà mình vừa bán và trả tiền thuê hàng năm.
Câu chuyện thành công của IndiGoKhi mới thành lập năm 2005, hãng hàng không IndiGo của Ấn Độ đặt mua 100 chiếc A320. Đến năm 2011, IndiGo lại đặt mua tiếp 180 chiếc A321NEO, tổng trị giá 15 tỉ USD. Sang năm 2015, hãng tiếp tục đặt mua 250 chiếc A320NEO, giá trị niêm yết 25,7 tỉ USD. Vì đặt mua với số lượng rất lớn nên IndiGo có thể được chiết khấu tới 60-70% (con số chính xác không được tiết lộ). Sau khi nhận máy bay, IndiGo lập tức tiến hành bán và thuê lại. IndiGo đã áp dụng chiến thuật này một cách khôn khéo, thể hiện ở 2 điểm: Thứ nhất, hãng chỉ mua một loại máy bay là A320 thế hệ mới nhất, nhờ đó mà vừa đảm bảo tính kinh tế theo quy mô vừa tiết kiệm nhiên liệu. Thứ hai, IndiGo chỉ thuê máy bay trong 6 năm, qua đó tránh được các chi phí bảo dưỡng định kỳ của ngành hàng không. Năm 2013, khi đa phần các đối thủ cạnh tranh đều lỗ "sấp mặt" thì IndiGo ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 6 lần năm trước. |
Các công ty cho thuê máy bay được lợi gì? Tại sao các công ty này không tự mua máy bay từ Airbus và Boeing rồi cho thuê mà phải mua lại của các hãng hàng không?
Thứ nhất, nhiều công ty cho thuê máy bay không có quy mô và uy tín như các hãng hàng không, khó vay vốn lớn để tự mua máy bay nên phải đợi các hãng hàng không mua xong rồi mua lại để cho thuê.
Boeing cho biết 49% số máy bay mà hãng chuyển giao cho các công ty cho thuê là bán trực tiếp, 51% còn lại là thông qua nghiệp vụ SLB. |
Thứ hai, việc các công ty cho thuê mua máy bay từ hãng hàng không rồi cho chính hãng hàng không đó thuê lại đồng nghĩa với việc đầu ra sản phẩm đã được “bao tiêu”. Nếu công ty tự đặt mua sẽ phải chịu rủi ro không tìm được khách hàng thuê.
Thứ ba, tuy công ty cho thuê phải mua máy bay từ hãng hàng không với giá cao hơn từ 5 -10% so với mua trực tiếp, nhưng khoản phụ trội này sẽ được công ty tính vào giá cho thuê các năm sau. Mua lại với giá càng cao thì cho thuê với giá càng cao và ngược lại.
Minh họa: Chu Toàn. |
Gió sắp đổi chiều?
Từng gặt hái nhiều thành công nhờ mô hình SLB nhưng tháng 8 năm ngoái, IndiGo cho biết hãng sẽ dần từ bỏ mô hình này và chuyển sang sở hữu trực tiếp máy bay. Đại diện của hãng cho biết, thay đổi này sẽ giúp làm giảm chi phí hoạt động và gia tăng lợi nhuận.
Một số chuyên gia nhận định nguyên nhân có thể là do các thay đổi sắp tới trong cách hạch toán kế toán. Cụ thể, Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế đã ban hành IFRS 16 hiệu lực từ 01/01/2019 để thay thế cho Chuẩn mực kế toán quốc tế số 17 (IAS 17).
Theo đó kể từ ngày 1/1/2019, bên bán tài sản sẽ không được ghi nhận doanh thu và lợi nhuận mà phải ghi nhận một khoản nợ vay đối với khoản tiền nhận được từ giao dịch bán và thuê lại (ngoại trừ trường hợp giá trị tài sản thuê là thấp không đáng kể hoặc thời hạn thuê nhỏ hơn 12 tháng - điều rất ít thấy trong ngành hàng không).
Ở Việt Nam, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng từng nhận định SLB thực chất là "đẩy rủi ro vào tương lai", bán được với giá cao, lợi nhuận ban đầu cao thì những năm sau chi phí thuê cũng cao tương ứng, chưa kể các rủi ro về tỉ giá.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/