|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways muốn nâng đội tàu bay từ 22 lên ít nhất 40 chiếc trong năm nay, bất chấp ảnh hưởng từ COVID-19

23:29 | 17/04/2020
Chia sẻ
Theo chia sẻ của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, Bamboo Airways dự kiến nâng qui mô đội tàu bay lên tối thiểu 40 chiếc trong năm 2020 này, tuy thấp hơn kế hoạch trước đây nhưng vẫn rất lạc quan trong bối cảnh ngành hàng không đang gặp nhiều khó khăn vì COVID-19.
Tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways. Ảnh: Đức Quyền.

Tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways. Ảnh: Đức Quyền.

Bamboo Airways với mục tiêu 30% thị phần, đội bay tối thiểu 40 chiếc

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân tối 17/4, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways cho biết chiều nay ban lãnh đạo hãng đã họp và thống nhất kế hoạch kinh doanh mới trong năm 2020 nhằm ứng phó hiệu quả nhất với những thay đổi do đại dịch COVID-19.

Theo ông Quyết, Bamboo Airways vẫn giữ mục tiêu chiếm 30% thị phần hàng không nội địa trong năm nay.

Từ cuối năm 2019, hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC này đã đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần và nâng qui mô đội bay lên 50 chiếc – bao gồm 12 chiếc thân rộng – trong năm 2020.

Tại cuộc họp chiều nay 17/4, Bamboo Airways đã điều chỉnh mục tiêu qui mô đội bay xuống còn 40 chiếc.

Hiện nay Bamboo Airways đang khai thác 22 tàu bay trong đó có 3 tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner có tên Ha Long Bay, Sam Son Beach và Quy Nhon City (Vịnh Hạ Long, Bãi Biển Sầm Sơn và Thành phố Quy Nhơn). Theo dữ liệu của Airbus, hãng này đang khai thác 19 tàu thân hẹp gồm 1 chiếc A319ceo, 6 chiếc A320ceo, 5 chiếc A320neo, 3 chiếc A321ceo và 4 chiếc A321neo.

Như vậy để đạt được mục tiêu 40 tàu bay, Bamboo Airways sẽ cần tiếp nhận ít nhất 18 chiếc nữa từ nay đến cuối năm.

Để ứng phó hiệu quả với COVID-19 và thực hiện kế hoạch kinh doanh, ông Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airways sẽ đưa ra nhiều loại hình sản phẩm mới thích ứng với thị trường. Gần đây nhất hãng đã tung gói bay thoải mái không giới hạn với 9,8 triệu đồng Bamboo Pass Unlimted mà theo ông Quyết là "đang được thị trường đón nhận rất tích cực".

Bamboo Airways cũng sẽ cố gắng tận dụng hiệu quả nhất những mặt tích cực mà tình hình mới mang lại, như việc giá dầu giảm kỉ lục khiến chi phí nhiên liệu bay rẻ nhất trong gần 20 năm qua...

Hàng không toàn cầu khổ sở vì COVID-19

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới đã buộc các hãng hàng không Việt Nam dừng hoàn toàn hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế, ngoại trừ các chuyến bay nhân đạo được cấp phép đặc biệt. Trong đó Bamboo Airways phải ngừng khai thác hai đường bay nối Đà Nẵng và Nha Trang với Seoul (Hàn Quốc).

Ở trong nước, số chặng bay và chuyến bay cũng bị cắt giảm đáng kể. Từ 17/4 đến 22/4, các hãng hàng không chỉ được khai thác tối đa tổng cộng 6 chuyến khứ hồi/ngày với chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, 2 chuyến khứ hồi/ngày với chặng Hà Nội – Đà Nẵng và 2 chuyến khứ hồi/ngày với chặng TP HCM – Đà Nẵng.

Trong đó, Bamboo Airways được cấp phép bay 1 chuyến khứ hồi/ngày chặng Hà Nội – TP HCM. Để so sánh, trong quí I vừa qua, Bamboo Airways khai thác tổng cộng 11.045 chuyến bay, tương đương khoảng 120 chuyến/ngày.

Bamboo Airways muốn nâng đội tàu bay từ 22 lên ít nhất 40 chiếc trong năm nay, bất chấp ảnh hưởng từ COVID-19 - Ảnh 3.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways. Ảnh: Đức Quyền.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 16/4 vừa qua, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết sau hai tuần giãn cách xã hội trên toàn quốc, lượng khai thác của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn khoảng 2 - 5% năng lực.

Bản thân Vietnam Airlines trong năm 2020 dự kiến giảm khoảng 50.000 tỉ đồng doanh thu, tức giảm 65% so với kế hoạch. Trong đội bay 106 chiếc thì có tới gần 100 chiếc phải nằm đất vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới hoạt động hàng không. Một nửa số lao động của Vietnam Airlines phải ngừng việc.

Ở nước ngoài, tình trạng tàu bay nằm đất cũng diễn ra phổ biến và nhiều hãng đã hoãn kế hoạch tiếp nhận tàu bay mới.

Chẳng hạn cuối tháng 2 vừa qua, hãng hàng không giá rẻ đường dài AirAsia X thông báo hoãn tiếp nhận 78 chiếc A330neo nhưng không cho biết sẽ hoãn đến bao giờ.

Chia sẻ với Bloomberg mới đây, ông Tony Fernandes – Tổng Giám đốc Tập đoàn AirAsia cho biết: "Rất khó để nói về việc mua thêm máy bay mới trong thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ rằng sẽ phải mất một khoảng thời gian dài nữa thì các hãng hàng mới không tăng trưởng trở lại. Tôi không thấy có nhiều hãng hàng không đang mua thêm máy bay".

Thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra với ngành hàng không được cho là sẽ lớn hơn nhiều so với hậu quả của vụ khủng bố 11/9/2001 hay dịch SARS năm 2003. 

Bamboo Airways muốn nâng đội tàu bay từ 22 lên ít nhất 40 chiếc trong năm nay, bất chấp ảnh hưởng từ COVID-19 - Ảnh 4.

Tàu bay siêu to khổng lồ A380 của British Airways phải nằm không trong dịch COVID-19, sân bay Chateauroux, Pháp ngày 7/4/2020. Ảnh: AirTeamImages.

Ngày 20/2 năm nay, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) từng ước tính các hãng hàng không trên toàn thế giới sẽ mất khoảng 29 tỉ doanh thu vì COVID-19. Sau đó ước tính được nâng lên thành 113 tỉ USD vào ngày 5/3. Tới giữa tháng 4, IATA cho rằng thiệt hại doanh thu có thể lên tới 314 tỉ USD.

Con số thiệt hại này còn chưa kể nhiều chi phí phát sinh khác như bảo dưỡng, đậu đỗ tàu bay, bảo quản động cơ để chim không chui vào làm tổ ...

Đức Quyền