|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

‘Làm ăn tốt như Bamboo Airways, xin phép khai thác 100 hay 200 tàu bay Nhà nước cũng đồng ý’

14:42 | 27/12/2019
Chia sẻ
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khẳng định hãng hàng không Bamboo Airways đang hoạt động tốt, đủ điều kiện để niêm yết trên sàn HOSE. Không những vậy, ông còn tin rằng cơ quan quản lí nhà nước chắc chắn sẽ cấp phép cho hãng nâng qui mô đội tàu bay lên 100, thậm chí 200 chiếc.
‘Làm ăn tốt như Bamboo Airways, xin phép khai thác 100-200 tàu bay Nhà nước cũng đồng ý’ - Ảnh 1.

Chiếc tàu bay Boeing 787-9 đầu tiên của Bamboo Airways đã về đến Nội Bài ngày 22/12 vừa qua. Ảnh: Đức Quyền.

'Bamboo Airways cần nhiều nghìn tỉ đồng để hoạt động tốt'

Hãng hàng không Bamboo Airways là công ty con của Tập đoàn FLC, được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ 700 tỉ đồng. Theo Nghị định số 92 năm 2016, con số 700 tỉ đồng là vốn tối thiểu để một hãng hàng không khai thác 10 tàu bay cho vận tải quốc tế.

Ngày 11/9/2019, Bamboo Airways được cấp lại Giấy phép KDVCHK thể hiện vốn thực góp 1.300 tỉ đồng và qui mô đội tàu bay tối đa 30 chiếc đến năm 2023, bao gồm cả tàu bay thân rộng như A350 hay Boeing 787-9.

Chỉ hơn ba tháng sau khi nhận Giấy phép mới, năm 2019 còn chưa kết thúc, Bamboo Airways đã công bố kế hoạch tham vọng nâng qui mô đội tàu bay lên 50 chiếc trong năm 2020, trong đó có 12 chiếc thân rộng.

Muốn số lượng tàu bay vượt 30 chiếc, Bamboo Airways sẽ cần nâng qui mô vốn và được Bộ GTVT cấp lại Giấy phép KDVCHK. Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cũng chia sẻ hãng bay này có nhu cầu vốn rất lớn để mở rộng hoạt động: 

"Bamboo Airways ban đầu có vốn điều lệ bằng vốn pháp định 700 tỉ đồng. Sau đó chúng tôi tăng vốn lên 1.300 tỉ đồng để có thể khai thác trên 10 tàu bay. Nhưng số tiền 1.300 tỉ đồng chỉ tiêu vài tháng là hết thôi", ông Quyết nói.

"Vốn điều lệ cần lớn gấp nhiều lần vốn pháp định thì Bamboo Airways mới hoạt động được. Bamboo Airways cần nhiều trăm triệu đô, tức là nhiều nghìn tỉ đồng mới hoạt động được như hiện nay".

‘Làm ăn tốt như Bamboo Airways, xin phép khai thác 100 hay 200 tàu bay Nhà nước cũng đồng ý’ - Ảnh 2.

Ảnh: Đức Quyền. Đồ họa: Linh Phan.

Chủ tịch Bamboo Airways nói thêm: "Việc thay đổi vốn điều lệ chỉ cần xin phép ở Ủy ban Nhân dân tỉnh. Muốn thay đổi Giấy phép KDVCHK thì chúng tôi cần xin phép Cục Hàng không và Bộ GTVT. Còn tổng mức đầu tư của Dự án hàng không Tre Việt không thay đổi, vẫn là hơn 5.000 tỉ đồng, nên chúng tôi không cần xin phép Chính phủ".

Tuy nhiên, Bộ GTVT lại cho rằng việc xin phép Thủ tướng Chính phủ là cần thiết trong trường hợp này.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Bamboo Airways đã đề nghị Bộ GTVT xem xét cấp lại Giấy phép KDVCHK để ghi nhận tăng vốn điều lệ từ 1.300 lên 2.200 tỉ đồng và thay đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần.

Qua nghiên cứu, Bộ GTVT nhận thấy Bamboo Airways có nhiều thay đổi so với "các Quyết định số 836/QĐ-TTg và 1014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về những thay đổi nêu trên và xin ý kiến chỉ đạo trước khi cấp lại Giấy phép".

‘Làm ăn tốt như Bamboo Airways, xin phép khai thác 100 hay 200 tàu bay Nhà nước cũng đồng ý’ - Ảnh 3.

Số tàu bay của Bamboo Airways tăng từ 6 chiếc khi cất cánh hồi tháng 1 lên thành 22 chiếc vào đầu tháng 12/2019.

'Bamboo Airways xin mở rộng hoạt động, Nhà nước mình đương nhiên sẽ đồng ý'

Trước những băn khoăn về việc Bamboo Airways có thể không được Thủ tướng hoặc Bộ GTVT cấp phép nâng qui mô đội tàu bay và mở rộng hoạt động, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng: "Dù là qui định của luật hay thể chế nào, nhà đầu tư tham gia kinh doanh càng có hiệu quả thì càng phải được cấp phép". 

Ông khẳng định thêm: "Bamboo Airways là hãng bay đúng giờ nhất, an toàn nhất, dịch vụ tốt nhất, được thế giới ghi nhận là kì tích của ngành hàng không thế giới. Chúng tôi làm tốt như vậy, không cấp phép điều chỉnh cho Bamboo Airways thì cấp phép cho ai bây giờ?"

Thực tế theo thống kê của Cục Hàng không, Bamboo Airways là hãng có tỉ lệ cất cánh đúng giờ cao nhất tất cả tháng năm 2019, cá biệt tháng vừa qua lên tới 96,1%. Đến nay hãng đã khai thác gần 20.000 chuyến bay, tất cả đều an toàn tuyệt đối.

"Hiện chúng tôi muốn xin phép nâng đội tàu bay lên 50 chiếc. Cho dù Bamboo Airways muốn nâng lên 100 hay 200 tàu bay, mà chúng tôi làm tốt thế này, thì nhà nước nào cũng phải cấp phép chứ không riêng gì Nhà nước mình. Nhà nước mình đang khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không lí do gì không cấp phép cho Bamboo Airways".

"Nhà nước cần khuyến khích những doanh nghiệp làm ăn tốt, đóng góp cho ngân sách, cho xã hội, kết nối mọi người một cách an toàn nhất. Thậm chí nếu tôi làm cơ quan quản lí nhà nước, tôi phải xin doanh nghiệp hãy tăng qui mô, tiếp tục bổ sung để làm tốt hơn", Chủ tịch Tập đoàn FLC nói.

'Kết quả kinh doanh đáp ứng điều kiện niêm yết trên sàn HOSE'

Hồi giữa năm nay, một văn bản của Bộ Tài chính cho biết tại ngày 30/4/2019, vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways là 981 tỉ đồng; bao gồm vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng và lỗ lũy kế khoảng 318 tỉ đồng.

Tổng nguồn vốn là 2.200 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn là 1.219 tỉ, tỉ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn là 55,4%, lỗ sau thuế 329 tỉ đồng trong ba tháng đầu năm.

Khi được hỏi về kết quả kinh doanh cả năm 2019 của Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết cho biết: "Còn mấy ngày nữa, sau 31/12 chúng tôi sẽ công bố lãi lỗ cụ thể. Chắc là sẽ đủ điều kiện để niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), nói vậy thì các bạn biết là lãi hay lỗ". 

"Đến bây giờ Bamboo Airways cơ bản đã hoàn thành kế hoạch, hoàn thành định hướng, chiến lược đề ra", ông Quyết nói thêm.

‘Làm ăn tốt như Bamboo Airways, xin phép khai thác 100 hay 200 tàu bay Nhà nước cũng đồng ý’ - Ảnh 4.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways chia sẻ tại sự kiện chiều 26/12. Ảnh: Đức Quyền.

Ông Trịnh Văn Quyết và ban lãnh đạo Tập đoàn FLC đặt nhiều kì vọng vào Bamboo Airways cũng như cổ phiếu BAV của hãng bay này. Trả lời phỏng vấn Bloomberg tháng 9 năm nay, ông Trịnh Văn Quyết tiết lộ kế hoạch niêm yết khoảng 405 triệu cổ phiếu BAV lên sàn chứng khoán với giá ban đầu 60.000 đồng/cp, ứng với vốn hóa hơn 1 tỉ USD.

Chiều 26/12 vừa qua, ông Quyết tái khẳng định mục tiêu đưa Bamboo Airways lên sàn HOSE trong năm 2020. Vị Chủ tịch này còn có lần khẳng định chắc chắn sau khi lên sàn, giá cổ phiếu Bamboo Airways sẽ vượt 100.000 đồng/cp trong năm 2020 và hãng sẽ chỉ bán cho nhà đầu tư nước ngoài với giá trên 150.000 đồng/cp.

Theo Nghị định 58/2012, doanh nghiệp muốn niêm yết tại HOSE phải có vốn điều lệ trên 120 tỉ đồng, ít nhất hai năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, tỉ lệ ROE năm gần nhất tối thiểu là 5% và hai năm liền trước năm đăng kí niêm yết phải có lãi; không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng kí niêm yết, ...

Bamboo Airways đạt điều kiện về vốn điều lệ. Tuy nhiên, hãng bay này mới chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần vào tháng 9/2019 tức là phải đến tháng 9/2021 mới đủ hai năm. 

Tính đến tháng 4/2019, công ty có lỗ sau thuế và lỗ lũy kế. Liệu Bamboo Airways có thể chuyển lỗ thành lãi trong những tháng cuối năm 2019 hay không là câu hỏi mà Chủ tịch Trịnh Văn Quyết chưa trả lời.

Đức Quyền