Bamboo Airways tự tin sẽ chiếm 30% thị phần và bay thẳng đến Mỹ năm 2020 dù gặp nhiều rào cản
"Giấc mơ Mỹ" cần chứng nhận ETOPS 180 mới thành hiện thực
Việt Nam có ít nhất hai hãng hàng không là Vietnam Airlines và tân binh Bamboo Airways công bố tham vọng mở đường bay thẳng kết nối Việt Nam - Mỹ.
Tháng 2/2019, Cục Hàng không Việt Nam đã được Cục Hàng không Mỹ (FAA) cấp chứng nhận năng lực giám sát hàng không mức 1 (CAT 1), mở rộng hơn cánh cửa để các hãng bay Việt tìm đường đến Mỹ.
Ngày 13/12 vừa qua, sau chưa đầy một năm hoạt động thương mại, Bamboo Airways đã được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cấp chứng nhận Kiểm soát An toàn Khai thác (IOSA) với gần 1.000 tiêu chuẩn, tiếp tục củng cố uy tín và độ an toàn của hàng không Việt Nam.
Tuy nhiên, để bay thẳng đến Mỹ các hãng hàng không còn cần đạt được nhiều tiêu chuẩn kĩ thuật khai thác khác.
Phát biểu tại một sự kiện do Báo Giao thông tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết: “Nếu bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ, hãng bay phải đạt tiêu chuẩn bay hai động cơ vượt đại dương, tối thiểu ETOPS 180 phút”.
Theo ông Đinh Việt Thắng, hiện tại trong 5 hãng hàng không của Việt Nam mới chỉ có Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này. Những hãng khác muốn được phê chuẩn ETOPS 180 phút thì điều kiện đầu tiên phải tích luỹ kinh nghiệm, nhanh nhất cũng mất 18 tháng kể từ khi khai thác loại tàu bay đó.
Phát biểu này của người đứng đầu Cục Hàng không làm dấy lên lo ngại Bamboo Airways sẽ không thể bay thẳng Việt - Mỹ vào cuối 2020 - đầu 2021 như kế hoạch mà hãng đặt ra.
Ngày 22/12 vừa qua Bamboo Airways tiếp nhận chiếc Boeing 787-9 đầu tiên (loại tàu bay mà hãng sẽ dùng để bay tới Mỹ). Ngày 1/1/2020 tới đây hãng mới bắt đầu khai thác thương mại chiếc tàu thân rộng này, tức là sớm nhất phải tới tháng 6/2021 hãng mới có đủ 18 tháng kinh nghiệm.
Ông Đặng Tất Thắng - Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết dòng tàu bay Boeing 787-9 mà Bamboo Airways mới tiếp nhận hoàn toàn đủ điều kiện kĩ thuật để bay sang Mỹ. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã được FAA cấp chứng chỉ CAT 1 là điều kiện quan trọng để các hãng hàng không Việt Nam bay thẳng đến Mỹ.
“Ngay sau khi chúng tôi hoàn thiện xong AOC (chứng chỉ nhà khai thác tàu bay - PV) cho chiếc Boeing 787-9 trong tháng 12 này, Bamboo Airways sẽ làm thủ tục chính thức để xin bay thẳng đến Mỹ", ông Thắng nói.
Về việc cần có kinh nghiệm khai thác bay 18 tháng mới đạt được tiêu chuẩn ETOPS 180, ông Thắng tin tưởng "với sự hỗ trợ và mong muốn sớm có đường bay thẳng kết nối Việt – Mỹ của chính phủ hai nước, Bamboo Airways vẫn giữ nguyên kì vọng là từ cuối 2020 đến đầu 2021 hãng sẽ mở đường bay trực tiếp với Mỹ".
Tham vọng mở đường bay thẳng đến Mỹ đã được lãnh đạo của hãng thể hiện từ rất sớm. Năm 2018 khi Bamboo Airways còn chưa được cấp phép bay, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã tuyên bố hãng sẽ bay thẳng Việt - Mỹ và "phải tính sao cho có lãi luôn".
Tháng 8/2019, ông Quyết tái khẳng định kế hoạch bay Mỹ đồng thời nhẩm tính phương án tài chính giúp Bamboo Airways có lãi 28 tỉ đồng/tháng/tàu bay.
Tổng Giám đốc Đặng Tất Thắng chia sẻ: "Chúng tôi đã tính toán rất nhiều phương án để bay tới Mỹ, có thể Bamboo sẽ có một điểm dừng ở Hàn Quốc trong lúc chờ mở đường bay thẳng. Bamboo Airways muốn có đường bay thẳng đến Mỹ sớm nhất có thể, tuy nhiên quá trình triển khai còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác”.
Ông Thắng cũng cho biết Bamboo Airways đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để thiết lập hợp tác chiến lược với một hãng hàng không của Mỹ. Hãng chỉ bay đến một bang và sau đó hợp tác với hãng hàng không Mỹ để vận chuyển hành khách đến các bang khác.
ETOPS là tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) áp dụng cho các tàu bay hai động cơ, thể hiện khoảng thời gian mà tàu bay có thể hoạt động trong trường hợp một động cơ bị hỏng.
Chẳng hạn một tàu bay có ETOPS 180 tức là tàu bay đó có thể bay chỉ với một động cơ trong vòng 180 phút và vì vậy, đường bay của nó phải luôn nằm trong phạm vi bay 180 phút với một động cơ tính từ sân bay trung chuyển gần nhất.
Qui định này đảm bảo tàu bay hai động cơ có thể hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay lân cận khi một động cơ bị hỏng. Các hãng hàng không phải dựa vào tiêu chuẩn ETOPS để thiết lập đường bay và kế hoạch bay phù hợp.
Từ thập niên 1950 trở về trước, tàu bay sử dụng động cơ piston có độ an toàn thấp và do vậy chỉ được phép bay trong phạm vi 60 phút tính từ sân bay gần nhất. Về sau, tàu bay sử dụng động cơ phản lực với độ an toàn được cải thiện rất nhiều nhưng Cục Hàng không Mỹ (FAA) vẫn duy trì qui định 60 phút.
Chính sự cứng nhắc này đã góp phần định hình ngành hàng không thế giới với sự ra đời của các tàu bay Boeing 747 (4 động cơ) và DC-10 (ba động cơ). Vì có nhiều hơn hai động cơ nên các tàu bay này không phải tuân thủ giới hạn 60 phút của FAA và có thể thực hiện các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương nối Mỹ và châu Âu.
Tháng 2/1985, Trans World Airlines khai thác chuyến bay ETOPS đầu tiên với giới hạn được nâng lên thành 90 phút (ETOPS 90) trên chiếc Boeing 767. Ngày nay, một số loại tàu bay được cấp chứng nhận ETOPS cao tới 330 hay 370.
Mục tiêu 30% thị phần hàng không năm 2020 có quá tham vọng?
Song song với kế hoạch mở đường bay tới Mỹ, Bamboo Airways còn đặt mục tiêu nâng thị phần hàng không trong nước lên con số 30%.
Theo ông Đặng Tất Thắng, đến cuối năm 2019 Bamboo Airways có 22 tàu bay và đã nắm giữ 10-11% thị phần hàng không Việt Nam. Với kế hoạch tăng đội tàu bay lên 50 chiếc (trong đó có 12 chiếc thân rộng) trong năm 2020, ông cho rằng "việc đặt ra mục tiêu chiếm 30% thị phần trong năm 2020 không có gì xa vời cả mà hoàn toàn thực tế”.
“Nếu chúng tôi làm tốt dịch vụ, đa dạng các đường bay, đa dạng dịch vụ hơn nữa thì sẽ ngày càng có nhiều hành khách đến với Bamboo Airways”, ông Thắng chia sẻ.
Theo số liệu của Bamboo Airways, từ đầu năm đến nay hãng đã vận chuyển khoảng 2 triệu lượt hành khách trên gần 20.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối. Hãng cũng có tỉ lệ cất cánh đúng giờ cao nhất hàng không Việt Nam tất cả các tháng kể từ khi đi vào hoạt động ngày 16/1/2019.
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tự tin với kết quả hoạt động thời gian qua, hãng bay của ông chắc chắn sẽ được cơ quan quản lí cho phép nâng qui mô đội tàu bay từ tối đa 30 chiếc hiện nay lên 50 chiếc:
"Bamboo Airways là hãng bay đúng giờ nhất, an toàn nhất, dịch vụ tốt nhất, được thế giới ghi nhận là kì tích của ngành hàng không thế giới. Chúng tôi làm tốt như vậy, không cấp phép điều chỉnh cho Bamboo Airways thì cấp phép cho ai bây giờ?"
Bamboo Airways nhận về nhiều tàu bay, hạ tầng có đáp ứng đủ?
Với việc Bamboo Airways muốn nâng qui mô đội tàu bay lên 50 chiếc trong năm 2020, một câu hỏi được đặt ra là hạ tầng hàng không Việt Nam vốn dĩ đang quá tải có thể đáp ứng được không.
Tổng Giám đốc Đặng Tất Thắng cho rằng đúng là sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nhưng tình trạng quá tải chỉ là cục bộ ở một số thời gian cao điểm, năng lực đáp ứng ở Tân Sơn Nhất vẫn còn dưa địa rất lớn.
“Gần đây nhất, Cục Hàng không đã có văn bản cho phép Tân Sơn Nhất tăng điều hành quản lí bay mỗi giờ từ 44 chuyến lên 46 chuyến. Theo tôi biết, Cục Hàng không cho rằng khả năng Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng được trên 50 chuyến bay một giờ", ông Thắng nói.
"Bamboo Airways cũng mở nhiều đường bay mới, kết nối trực tiếp các địa phương với nhau như Hải Phòng – Qui Nhơn, Hải Phòng – Nha Trang, Vân Đồn – Đà Nẵng, qua đó giảm tải cho các điểm nóng Nội Bài và Tân Sơn Nhất", Tổng Giám đốc Bamboo Airways chia sẻ.