Vietjet dự định huy động gần 7.100 tỷ đồng từ trái phiếu chuyển đổi, chào bán tối đa hàng trăm triệu cổ phiếu VJC
Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu quốc tế của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC). Trong năm ngoái, Hội đồng quản trị (HĐQT) đã chuẩn bị các tài liệu chào bán, tiếp cận và trao đổi thông tin với các nhà đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, HĐQT Vietjet đã tạm hoãn triển khai phương án phát hành trái phiếu quốc tế với lý do “điều kiện thị trường chưa thuận lợi và chưa đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cổ đông”.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày hôm nay 26/4, HĐQT Vietjet tiếp tục đề xuất các cổ đông phê duyệt phương án phát hành trái phiếu và giao cho HĐQT quyết định các nội dung cơ bản.
Trái phiếu dự kiến được phát hành theo hình thức riêng lẻ, có thể là trái phiếu đi kèm chứng quyền hoặc trái phiếu chuyển đổi.
Tổng giá trị phát hành là 7.098 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD khi tính theo tỷ giá 23.600 đồng/USD. Số tiền huy động được sẽ phục vụ cho hoạt động đầu tư, thuê, mua dài hạn tàu bay, động cơ, trang thiết bị, sửa chữa tàu bay, cũng như để cơ cấu các khoản nợ, tăng nguồn thanh khoản và vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.
Hãng hàng không của Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo có thể mua lại trái phiếu trước hạn từ cuối năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 nếu giá cổ phiếu cao hơn một mức nhất định. Người sở hữu trái phiếu có quyền yêu cầu Vietjet mua lại các trái phiếu vào cuối năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 từ ngày phát hành tại một mức giá xác định.
Trái phiếu sẽ có kỳ hạn 3-5 năm, lãi suất có thể được thả nổi, cố định hoặc kết hợp giữa thả nổi và cố định. Thời điểm phát hành và điều khoản cụ thể cụ thể sẽ do HĐQT quyết định, phụ thuộc vào điều kiện thị trường và chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Kế hoạch chào bán cổ phần
Bên cạnh phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, Vietjet cũng lên kế hoạch chào bán cổ phần mới, có thể là cổ phần phổ thông và/hoặc cổ phần ưu đãi. Tổng số cổ phần phát hành không quá 20% số lượng cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán.
Vietjet hiện có 541,6 triệu cổ phiếu VJC đang lưu hành nên khối lượng phát hành tối đa dự kiến là hơn 108 triệu đơn vị.
Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức, Vietjet dự kiến chào bán theo phương thức riêng lẻ.
Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để thuê mua, đặt cọc vào tàu bay, động cơ, phụ tùng; bổ sung nguồn vốn lưu động; đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết; liên doanh, liên kết mua bán và cho thuê tàu bay; mở rộng kinh doanh các dịch vụ phục vụ hàng không; đầu tư nhà kho, phân xưởng chế tạo và sửa chữa, bảo hành tàu bay, động cơ; mở rộng đào tạo hàng không; tái cấu trúc chi phí thuê tàu bay; tối ưu hóa cấu trúc tài sản, nâng cao năng lực tài chính.
Mệnh giá của mỗi cổ phần ưu đãi cổ tức là 10.000 đồng. Cổ phần có thể được chào bán một lần hoặc nhiều lần, dự kiến trong năm 2023 đến trước đại hội thường niên 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.
Giá chào bán không thấp hơn giá giao dịch trung bình 20 ngày trước thời điểm phát hành. Người mua phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, số lượng không quá 5 nhà đầu tư.
Số cổ phần ưu đãi cổ tức được chào bán dự kiến không quá 10% tổng số cổ phiếu đang lưu hành vào thời điểm chào bán. Cổ phiếu ưu đãi sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán.
Mức cổ tức cố định hàng năm của cổ phần ưu đãi sẽ do HĐQT quyết định, thời hạn hưởng cổ tức ưu đãi không quá 5 năm. Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết, được phép chuyển đổi sang cổ phần phổ thông tùy theo quyết định của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi sau hai năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán cổ phần ưu đãi.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vietjet đặt mục tiêu lãi nghìn tỷ, dự kiến tỷ lệ cổ tức 20% 26/04/2023 - 11:38
Vietjet có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi sau 12 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Giá chuyển đổi từ cổ phần ưu đãi sang cổ phần phổ thông do HĐQT quyết định, cao hơn mức giá thị trường tại ngày chuyển đổi.
Ngoài ra, Vietjet cũng dự định chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông. Mục đích sử dụng vốn, mệnh giá, và thời gian phát hành giống với phương án chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức.
Số cổ phần phổ thông chào bán không quá 10% tổng số lượng đang lưu hành vào thời điểm chào bán, Đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định tổng số lượng cổ phần chào bán và số lượng cụ thể cho từng nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Cổ phần phổ thông phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược, và/hoặc trong vòng một năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên một cổ phần theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán gần nhất. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2022, giá trị sổ sách của VJC tại ngày 31/12 là khoảng 27.500 đồng/cp.
Song song với kế hoạch chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần phổ thông, Vietjet cũng dự định phát hành 10 triệu cổ phiếu VJC cho người lao động theo chương trình ESOP với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp.
Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến 2025 và được phát hành theo nhiều đợt. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn tối đa ba năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.