|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways dự kiến tăng vốn thêm gần 10.000 tỷ, vượt qua vốn điều lệ của Vietnam Airlines và ACV

18:39 | 23/03/2023
Chia sẻ
Bamboo Airways dự định phát hành thêm cổ phiếu với quy mô tối đa 35% vốn sau phát hành. Vốn điều lệ của hãng có thể sẽ tăng từ 18.500 tỷ đồng hiện nay lên 28.462 tỷ, vượt qua Vietnam Airlines và ACV.

Trụ sở Bamboo Airways tại Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Đức Quyền).

Sáng 10/4 tới đây, Bamboo Airways sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bàn về phương án phát hành cổ phần phổ thông nhằm tái cơ cấu nợ và tăng vốn điều lệ. Danh sách cổ đông có quyền dự họp được chốt vào ngày 16/3.

Theo tài liệu đã công bố, Bamboo Airways dự kiến trình đại hội thảo luận và thông qua phương án phát hành thêm với quy mô tối đa 35% tính theo số vốn sau phát hành. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, các cổ phiếu mới không bị hạn chế chuyển nhượng. 

Vốn điều lệ của Bamboo Airways hiện nay là 18.500 tỷ đồng, tương ứng với 1,85 tỷ cổ phiếu. Nếu tăng vốn theo phương án tối đa, Bamboo Airways sẽ cần phát hành thêm 996,15 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sau phát hành đạt 28.462 tỷ đồng. Biểu đồ dưới đây cho thấy sau khi tăng vốn, Bamboo Airways sẽ vượt qua Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) để dẫn đầu ngành hàng không về vốn điều lệ.

Sau khi phát hành thêm, Bamboo Airways sẽ vượt qua Vietnam Airlines và ACV để dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam về vốn điều lệ. 

Theo tiết lộ mới đây từ Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân, hãng hàng không mang thương hiệu cây tre này đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ là cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết và các bên liên quan.

Ông Quân cho biết số lượng cổ phần mới được chuyển nhượng tới tay các cổ đông mới đã được các cổ đông cũ thế chấp tại nhiều ngân hàng từ năm 2020.

Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán tiền mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng.

Đồng thời, nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án đang được điều tra.

Ông Quân không nói rõ cổ đông mới của Bamboo Airways là ai, nhưng cho biết Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng.

Minh họa: Song Ngọc.

Ngày 17/3 vừa qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC đã thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng xấp xỉ 155 triệu cổ phiếu Bamboo Airways thuộc sở hữu của FLC để để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Thăng Long (OCB Thăng Long).  

Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đồng thời là Chủ tịch của Bamboo Airways từ khi hãng hàng không này được thành lập cho đến khi ông Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/3/2022.

Trong những năm qua, Bamboo Airways đã nhiều lần tăng vốn, từ 700 tỷ đồng ban đầu lên thành 18.500 tỷ đồng vào tháng 9/2021 và duy trì cho đến nay. Tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC giảm từ 100% vào ngày đầu thành lập xuống còn 21,7% vào tháng 3/2023.

Bamboo Airways có lợi nhuận trong hai năm đầu hoạt động 2019 - 2020 một phần nhờ vào doanh thu tài chính. Trong hai năm 2021 và 2022, Bamboo Airways thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Việc tăng vốn sẽ giúp bổ sung nguồn vốn hoạt động cho hãng.

Đức Quyền