|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngoài Bamboo Airways, Tập đoàn FLC còn những khoản đầu tư nào có thể thoái vốn?

17:35 | 09/03/2023
Chia sẻ
Tính đến ngày cuối quý III/2022, Tập đoàn FLC đang góp vốn gần 9.400 tỷ đồng vào 16 công ty con và công ty liên kết thuộc các lĩnh vực hàng không, bất động sản, quản lý khách sạn, trang sức, ....

Vườn thú tại quần thể nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn. (Ảnh: Đức Quyền).

Tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra ngày 4/3/2023 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn FLC đã trình bày định hướng tái cơ cấu tài chính, tái cấu trúc danh mục các khoản đầu tư, tập trung phát triển các hoạt động then chốt và thế mạnh.

Trong thời gian tới, FLC sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ danh mục đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết để có phương án tiếp tục đầu tư hoặc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp.

Về phương án cụ thể, FLC sẽ đợi các chuyên gia tư vấn tài chính lập kế hoạch. Riêng đối với cổ phần hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), FLC có kế hoạch xem xét chuyển nhượng, phương án cụ thể sẽ được công bố sau.

Theo tài liệu công bố tại đại hội, Tập đoàn FLC đang góp 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways. Do hãng hàng không này làm ăn thua lỗ trong thời kỳ COVID-19, FLC đã phải trích lập dự phòng 373 tỷ đồng cho năm 2021.

Sang năm 2022, số dự phòng của FLC cho khoản đầu tư vào Bamboo Airways ước tính lên tới 3.642 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC hiện nay chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 nên số liệu tài chính mới nhất là tính đến ngày 30/9/2022. Theo báo cáo quý III năm ngoái, FLC đang góp vốn vào 14 công ty con (tỷ lệ sở hữu trên 50%) và hai công ty liên kết (tỷ lệ từ 20% đến dưới 50%) với tổng giá trị gốc là 9.383 tỷ đồng.

Khoản đầu tư lớn nhất của FLC chính là Bamboo Airways với giá trị vốn góp 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không với thương hiệu cây tre. Bamboo Airways cũng là khoản đầu tư mà FLC phải dự phòng nhiều nhất với 1.269 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2022.

Nếu hạch toán đến hết năm 2022, số dự phòng cho cổ phần Bamboo Airways có thể sẽ lớn hơn nhiều. Thống kê dưới đây cho thấy FLC còn phải dự phòng hàng trăm tỷ đồng cho nhiều công ty con như FLC Quy Nhơn Golf & Resort, FLC SamSon Golf & Resort, Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long.

 

Tổng giá trị dự phòng tại ngày 30/9 năm ngoái là 2.559 tỷ đồng. Giá trị hợp lý của các khoản đầu tư (giá gốc trừ đi dự phòng) của FLC là 6.824 tỷ đồng. Bamboo Airways tiếp tục dẫn đầu danh sách công ty con và công ty liên kết của FLC về giá trị hợp lý còn lại.

Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Dần dần, hãng hàng không với thương hiệu cây tre này tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng kể từ tháng 9/2021 và tỷ lệ sở hữu của FLC giảm còn 21,7%.

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đầu tiên của Bamboo Airways là ông Trịnh Văn Quyết, người có nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Sau khi ông Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/3/2022, ông Đặng Tất Thắng đồng thời làm Chủ tịch FLC và Bamboo Airways.

Đến tháng 7/2022, ông Thắng thôi chức Chủ tịch FLC. Sang tháng 8 cùng năm, Bamboo Airways có Chủ tịch mới. Hiện nay, FLC và Bamboo Airways vẫn có chung nhiều lãnh đạo cấp cao. Cụ thể, Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên đồng thời là Phó Chủ tịch Bamboo Airways, Phó Chủ tịch FLC Doãn Hữu Đoàn cũng là Phó Chủ tịch thường trực của Bamboo Airways, còn Thành viên HĐQT FLC Lê Thái Sâm đang là Thành viên HĐQT của Bamboo Airways.

Bamboo Airways từng là công ty con của Tập đoàn FLC, hiện chỉ còn là công ty liên kết. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Ngoài lĩnh vực hàng không, Tập đoàn FLC còn góp vốn vào nhiều công ty con hoạt động trong ngành dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng như FLC Quảng Bình Golf & Resort, FLC Quy Nhơn Golf & Resort, Quản lý Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng FLC, FLC SamSon Golf & Resort ....

Bên cạnh đó, FLC còn rót vốn vào các công ty con thuộc lĩnh vực bất động sản như Đầu tư Địa ốc Alaska, Địa ốc Star Hà Nội, Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long ....

Cũng trong ngành địa ốc, FLC đang đầu tư vào cổ phần của một số doanh nghiệp khác với tỷ lệ sở hữu dưới 20% nên không được xếp vào nhóm công ty liên kết. Thống kê bên dưới cho thấy doanh nghiệp có vốn góp lớn nhất là CTCP Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding (FCA), được Tập đoàn FLC rót 867,75 tỷ đồng. 

 

Theo báo cáo tại đại hội cổ đông bất thường 4/3, toàn bộ hoạt động kinh doanh của FLC Holding đang bị đóng băng do thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch cùng nhiều sự kiện khác.

Lãnh đạo FLC đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt phương án phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư vào Bamboo Airways và FLC Holding theo quy định pháp luật và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có) để xử lý dứt điểm vấn đề trên báo cáo tài chính năm 2021 và 2022.

Tuy nhiên theo báo cáo tài chính quý III/2022, Tập đoàn FLC vẫn ghi nhận khoản đầu tư vào FLC Holding theo giá gốc 867,75 tỷ đồng, không có dự phòng.

Đức Quyền

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.