|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC ước tính trích lập dự phòng 3.642 tỷ đồng vì Bamboo Airways thua lỗ năm 2022

12:53 | 04/03/2023
Chia sẻ
Tập đoàn FLC đã trích lập dự phòng 373 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Bamboo Airways năm 2021. Dự kiến số trích lập cho năm 2022 có thể lên tới 3.642 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông bất thường lần 2 của Tập đoàn FLC sáng 4/3/2023. (Ảnh: FLC).

Một trong những nội dung quan trọng nhất tại Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC sáng nay 4/3 là phương án xử lý các vấn đề tồn tại, phát sinh trong hoạt động tài chính từ năm 2015 đến nay. Những vấn đề này liên quan tới các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư, góp vốn vào công ty liên quan, xử lý hàng tồn kho, trả nợ trái phiếu ….

FLC cho biết số tiền tập đoàn đang đầu tư vào Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) là 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng của hãng hàng không này.

Theo quy định kế toán, khi Bamboo Airways hoạt động thua lỗ, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư theo tỷ lệ sở hữu. Số FLC đã trích lập năm 2021 giữ nguyên khoảng 373 tỷ đồng. Số FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể lên tới 3.642 tỷ đồng.

Con số trích lập này tương ứng với tỷ lệ sở hữu 21,7% của FLC, từ đây có thể tính ra số lỗ của Bamboo Airways trong năm 2022 là khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng. Con số thua lỗ này của Bamboo Airways lớn hơn nhiều so với khoản lỗ 10.369 tỷ đồng của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) năm ngoái.

Mô hình tàu bay Bamboo Airways tại một khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC. (Ảnh: Đức Quyền).

Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Dần dần, hãng hàng không với thương hiệu cây tre này tăng vốn điều lệ lên các mức 2.200, 7.000, 10.500, … và cuối cùng là 18.500 tỷ đồng kể từ tháng 9/2021.

Trong hai năm đầu hoạt động 2019 – 2020, Bamboo Airways đều có lãi ròng, một phần nhờ doanh thu hoạt động tài chính hàng nghìn tỷ đồng. Đến năm 2021 và 2022, COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động hàng không và Bamboo thua lỗ nghìn tỷ.  

Bamboo Airways tăng vốn điều lệ lên gấp hơn 26 lần số vốn ban đầu. Tỷ lệ sở hữu của FLC giảm từ 100% còn 21,7%.

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) FLC Lê Bá Nguyên sáng 4/3 cho biết tập đoàn đang có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần tại Bamboo Airways.

"Sau khi được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền, chúng tôi cũng cần xây dựng phương án đánh giá cụ thể bởi các chuyên gia tài chính, sau đó mới có thể đưa ra kế hoạch cụ thể. Khi có kế hoạch cụ thể, chúng tôi sẽ thực hiện công bố thông tin để các cổ đông được biết”, ông Nguyên nói.

Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên đồng thời là Phó Chủ tịch Bamboo Airways, Phó Chủ tịch FLC Doãn Hữu Đoàn cũng là Phó Chủ tịch thường trực của Bamboo Airways, còn Thành viên HĐQT FLC Lê Thái Sâm đang là Thành viên HĐQT của Bamboo Airways.

Cả ba lãnh đạo này đều được bầu vào HĐQT của Tập đoàn FLC tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7/2022 và vào HĐQT của Bamboo Airways tại đại hội cổ đông bất thường ngày 13/8/2022.

Trụ sở của Bamboo Airways tại số 265 Cầu Giấy, Hà Nội, cùng tòa nhà với Tập đoàn FLC.

Theo tài liệu đại hội sáng nay, Tập đoàn FLC còn đầu tư 567,57 tỷ đồng vào CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding (FCA), Công ty TNHH Một thành viên FLC Land (công ty con của Tập đoàn FLC) cũng góp 300 tỷ đồng vào FLC Holding.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch cùng nhiều sự kiện khác, toàn bộ hoạt động kinh doanh của FLC Holding cũng bị đóng băng.

Lãnh đạo FLC đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt phương án phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư vào Bamboo Airways và FLC Holding theo quy định pháp luật và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có) để xử lý dứt điểm vấn đề trên báo cáo tài chính năm 2021 và 2022.

CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding (FCA) có tiền thân là CTCP Đầu tư thương mại Tre Việt, được thành lập ngày 15/10/2019 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trụ sở được đặt tại tòa nhà FLC LandMark Tower, đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Ngành nghề đăng ký hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Tổng Giám đốc công ty là ông Lê Văn Sắc, sinh năm 1949, đã từng là thành viên Ban Kiểm soát Tập đoàn FLC.

Ngày 22/1/2021, sau 15 tháng thành lập, Đầu tư thương mại Tre Việt đổi tên thành CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding như hiện nay, đồng thời tăng vốn từ 100 tỷ lên 12.000 tỷ, tức là gấp 120 lần.

5 ngày sau, vào hôm 27/1, FLC Holding tiếp tục tăng vốn lên 15.300 tỷ đồng, tương ứng với 1,53 tỷ cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Ngày 1/2, FLC Holding thay đổi người đại diện theo pháp luật, bà Đặng Thị Lưu Vân làm Tổng Giám đốc công ty thay cho ông Lê Văn Sắc. Bà Vân sinh năm 1971, làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC từ cuối tháng 7/2020 đến nay.

Trước khi đến với FLC và FLC Holding, bà Vân từng làm Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group), Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Hội sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB), …

Với vốn điều lệ 15.300 tỷ đồng, FLC Holding là một trong những doanh nghiệp vốn khủng nhất trong hệ sinh thái FLC, nhiều hơn vốn của Tập đoàn FLC (hiện nay là 7.100 tỷ), FLC Faros (5.676 tỷ), FLCHomes (4.160 tỷ), ... chỉ đứng sau con số 18.500 tỷ của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo báo cáo tài chính mới nhất (quý III/2022), tại ngày 30/9 năm ngoái, Tập đoàn FLC đang góp 867,57 tỷ đồng vào FLC Holding và 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways.

Đức Quyền