|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hành trình của FLC trên 'chuyến bay' Bamboo Airways: Từ ngày đầu thành lập đến chuẩn bị thoái vốn

09:08 | 20/04/2023
Chia sẻ
Năm 2017, Chủ tịch Tập đoàn FLC khi đó là ông Trịnh Văn Quyết thành lập Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với nhiều tham vọng lớn lao. Sau 6 năm, thời thế đổi thay, ông Quyết vướng vòng lao lý và không còn lãnh đạo doanh nghiệp, FLC không còn là công ty mẹ của Bamboo và cũng chuẩn bị thoái hết vốn.

Logo của hãng hàng không Bamboo Airways tại khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Đức Quyền). 

Năm 2017 - 2018: Hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị đội tàu bay

Ngày 31/5/2017, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt được chính thức thành lập với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC đóng góp 100%. Tre Việt có trụ sở tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, tên viết tắt tiếng Anh là Viet Bamboo Airways.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tập đoàn FLC khi đó, đồng thời giữ chức Chủ tịch của Tre Việt. 

Ngày 6/6 cùng năm, Tre Việt lần đầu nộp hồ sơ tới Cục Hàng không Việt Nam, đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Ngày 26/3/2018, Tâp đoàn FLC và Airbus ký bản ghi nhớ về việc mua 24 máy bay thân hẹp Airbus A321 NEO, tổng trị giá ước tính 3,1 tỷ USD.

Đến ngày 20/4, Tre Việt ra mắt bộ nhận diện thương hiệu với hai màu chính là xanh lá (tượng trưng cho cây tre) và xanh dương (biểu trưng cho bầu trời và mặt biển). Tên tiếng Anh được rút gọn từ Viet Bamboo Airways thành Bamboo Airways.

Đến tháng 6, hãng lần đầu tổ chức phỏng vấn tuyển dụng tiếp viên tại Hà Nội. Ngày 25/6, FLC ký kết thỏa thuận với Boeing (Mỹ) về việc mua 20 tàu bay thân rộng Boeing 787 – 9 Dreamliner.

Ngày 9/7/2018, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Vận tải Hàng không Tre Việt.

Ngày 13/7, Bamboo Airways thông báo dự kiến cất cánh chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/10/2018. Cùng ngày 13/7, FLC thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ cho Bamboo Airways từ 700 tỷ lên 1.300 tỷ đồng – mức vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp khai thác trên 30 tàu bay, bao gồm bay quốc tế. Tập đoàn FLC vẫn kiểm soát 100% vốn của Bamboo Airways.

Ngày 26/7, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và Tổng Giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng công bố mục tiêu đến năm 2023, hãng hàng không này có thể đạt doanh thu 931,5 triệu USD (tương đương 21.000 tỷ đồng), lãi trước thuế 59 triệu USD (tức hơn 1.300 tỷ đồng), phục vụ 50 triệu lượt hành khách.

Sự bùng phát và lan rộng của đại dịch COVID-19 khiến cho các mục tiêu tham vọng của Bamboo rất khó trở thành hiện thực.

Năm 2022, doanh thu của Bamboo Airways mới đạt hơn 13.000 tỷ, thua lỗ ước tính hơn 16.000 tỷ đồng, sản lượng vận tải của toàn ngành hàng không khoảng 54 triệu lượt hành khách và Bamboo Airways chỉ chiếm 16,6% thị phần số chuyến bay. 

Ngày 12/11, Bộ Giao thông Vận tải chính thức cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways, quy mô khai thác tối đa 10 tàu bay. Hãng dự kiến bay chuyến đầu tiên vào ngày 29/12 theo đúng tuyên bố “cất cánh trong năm 2018” của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trước đó, nhưng cuối cùng không thành công.

Gian hàng của Bamboo Airways tại Hội trợ du lịch quốc tế (VITM) 2023. (Ảnh: Song Ngọc).

Năm 2019: Bamboo Airways cất cánh

Ngày 16/1, Bamboo Airways đón tàu bay Airbus A321 NEO đầu tiên và thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên trong lịch sử hoạt động của hãng. Ngày hôm sau, cổ phiếu FLC ghi nhận thanh khoản cao nhất 5 tháng và dẫn đầu toàn thị trường, giá cổ phiếu kết phiên tăng 1,5%.

Ngày 27/2, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC và Bamboo Airways, ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD và nâng tổng số đơn hàng 787-9 của Bamboo Airways lên 30 chiếc.

Ngày 4/3, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc của Bamboo Airways thay cho ông Đặng Tất Thắng.

Ngày 29/4, Bamboo Airways thực hiện chuyến bay quốc tế đầu tiên, đến tỉnh Ibaraki của Nhật Bản.

 

Trong quý đầu tiên Bamboo Airways bay thương mại, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần 2.980 tỷ đồng, tăng 35%; lợi nhuận ròng 8 tỷ đồng, giảm 92% so với quý I năm trước.

Ngày 26/6, tại đại hội cổ đông thường niên của FLC, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết nói: "Nhiều cổ đông hỏi Bamboo Airways có lợi nhuận chưa? Tôi xin trả lời là chưa, còn đang phải bù lỗ".

Theo ông Quyết, Bamboo Airways khi đó đang khai thác tối đa 10 tàu bay theo giấy phép của Bộ Giao thông Vận tải, nhưng có tham vọng nâng quy mô hoạt động lên 30–40 tàu nên chi phí phát sinh rất lớn: “FLC hàng tháng phải bù lỗ để chờ đến khi nhận đủ tàu bay thì Bamboo Airways mới có thể có lợi nhuận".

Tuy vậy, ông Quyết vẫn tỏ ra lạc quan: "Tôi tin là hết năm nay, sang quý I/2020 Bamboo Airways sẽ có lợi nhuận. Ngay lúc này, nếu không phải sử dụng nguồn lực để duy trì bộ máy sẵn sàng cho 30-40 máy bay thì Bamboo Airways cũng đã cân đối được chi phí".

Trong năm đầu cất cánh 2019, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.494 tỷ đồng, lỗ gộp 1.132 tỷ. Nhờ có doanh thu hoạt động tài chính 1.820 tỷ, Bamboo thoát khỏi lỗ ròng và còn báo lãi sau thuế 242 tỷ. 

Cuối tháng 6/2019, ông Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airways đã nộp hồ sơ tới nhà chức trách Mỹ, đề nghị cho Bamboo mở đường bay thẳng Việt - Mỹ, dự kiến bắt đầu từ 2020.

Năm 2018, từ khi chưa được nhà chức trách Việt Nam cấp phép bay, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã có tham vọng để Bamboo Airways mở đường bay thẳng đến Mỹ và “bay phải tính có lãi luôn”.

Tại một sự kiện ngày 1/8/2019, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết nhẩm tính Bamboo Airways có thể lãi 28 tỷ đồng/tàu bay/tháng khi bay thẳng tới Mỹ.

Tháng 9/2019, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ từ 1.300 tỷ lên 2.200 tỷ đồng, đồng thời thay đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, tức là FLC không còn là chủ sở hữu duy nhất.

Số vốn góp của FLC giữ nguyên là 1.300 tỷ đồng, tương đương 59,09%; ông Trịnh Văn Quyết góp 897,8 tỷ đồng, bằng 40,81%; ông Đặng Tất Thắng góp 0,1% còn lại.

Tháng 10, Bamboo tiếp tục tăng vốn từ 2.200 tỷ lên 4.050 tỷ đồng, tương đương với 405 triệu cổ phiếu. Riêng FLC góp thêm 770 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu là 51,11%. Lãnh đạo Bamboo Airways cũng thông báo kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán với giá 60.000 đồng/cp, ứng với vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Tháng 11, Bamboo Airways cho biết đã được công ty VIVC định giá 82.280 đồng/cổ phiếu, tương ứng với vốn hóa trên 33.300 tỷ đồng. Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tuyên bố cổ phiếu Bamboo Airways phải có giá ít nhất 100.000 đồng trong năm 2020, nếu không, ông sẽ tuyên bố FLC phá sản.

Trong năm 2019, FLC đã chào bán cổ phiếu Bamboo Airways cho nhân viên thuộc các đơn vị trong tập đoàn và một số nhà đầu tư khác với giá 20.000 và 40.000 đồng/cp, đồng thời cam kết mua lại với giá 60.000 – 80.000 đồng/cp.

Từ thời điểm ông Quyết tuyên bố cho đến nay, cổ phiếu Bamboo Airways chưa được niêm yết trên sàn, cũng không có giá 100.000 đồng/cp. Tại đại hội cổ đông bất thường ngày 10/4/2023, nhiều cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo Bamboo Airways về cam kết mua lại giá 80.000 đồng/cp nhưng ban lãnh đạo từ chối trả lời. 

Ngày 22/12/2019, Bamboo Airways đón tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên, được đặt tên là Ha Long Bay. Hai tàu thân rộng tiếp theo được hãng đặt tên là Quy Nhon City và Sam Son Beach.

Cũng trong tháng 12 này, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết thôi kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc Bamboo Airways, để cho ông Đặng Tất Thắng quay lại giữ vị trí cũ.

Ông Trịnh Văn Quyết khi còn là Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways. (Ảnh: Đức Quyền).

Năm 2020: Đại dịch ập đến

Năm 2019, các lãnh đạo Bamboo Airways đã khẳng định sẽ có lãi từ quý I/2020. Trên thực tế, hãng bay non trẻ này lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng trong quý đầu năm 2020. Một phần nguyên nhân là đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 2/2020, khiến cho nền kinh tế bị phong tỏa và ngành hàng không – du lịch rơi vào tê liệt.

Tính chung cả năm 2020, Bamboo Airways báo cáo doanh thu thuần tăng trưởng gần 16% so với năm trước, lên 4.049 tỷ đồng. Lỗ gộp lên tới 3.604 tỷ đồng, gấp gần 3,2 lần năm 2019. Nhờ có doanh thu hoạt động tài chính 4.647 tỷ, Bamboo Airways vẫn có lãi sau thuế 311 tỷ đồng trong cả năm. 

Kết quả kinh doanh của Tập đoàn FLC đi xuống rõ rệt trong quý I/2020 với mức lỗ gộp 1.448 tỷ và lỗ sau thuế 1.891 tỷ đồng, trái với khoản lãi gộp 84 tỷ và lãi ròng 8 tỷ đồng cùng kỳ 2019.

Ngày 17/4, bất chấp ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết vẫn lạc quan tuyên bố dự định nâng quy mô đội tàu bay từ 22 lên ít nhất 40 chiếc ngay trong năm 2020.

Cùng ngày 17/4, Bamboo Airways tiếp tục tăng vốn từ 4.050 tỷ lên 7.000 tỷ đồng. Ông Quyết tái khẳng định kế hoạch đưa cổ phiếu Bamboo lên sàn chứng khoán trong năm 2020.

Do Bamboo kinh doanh thua lỗ, tại ngày giữa năm 2020, FLC đang phải trích lập dự phòng 1.146 tỷ đồng cho khoản góp vốn 3.587 tỷ vào hãng hàng không.

Năm 2020, Bamboo Airways khai thác 28.444 chuyến bay, tăng trưởng 41% so với năm trước. Các hãng còn lại gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco và Vietjet Air đều giảm số chuyến từ 27% đến 57%.

Bamboo Airways cũng dẫn đầu về tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP) năm 2020, đạt 95,8%. Trong năm đầu hoạt động 2019, hãng hàng không của Tập đoàn FLC cũng đúng giờ nhất toàn ngành với tỷ lệ OTP đạt 94,1%.

Bamboo Airways đúng giờ nhất ngành hàng không trong 4 năm liên tiếp.

Năm 2021: Đi qua đại dịch

Ngày 5/2/2021, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng. Trong số 3.500 tỷ đồng vốn tăng thêm, Tập đoàn FLC góp 550 tỷ. Tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways giảm từ trên 50% xuống còn 39,4%. Kể từ quý I/2021, FLC không còn là công ty mẹ của Bamboo.

Tại ngày 5/2, cá nhân Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ 43,24% vốn của Bamboo Airways. CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) sở hữu 8,57%. Như vậy, nhóm cổ đông FLC, FLC Faros và ông Trịnh Văn Quyết sở hữu trên 90% vốn của Bamboo Airways tại ngày 5/2/2021. Ông Quyết đồng thời là Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.

Tháng 3/2021, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airways đang lên kế hoạch niêm yết 1,05 tỷ cổ phiếu BAV lên sàn HOSE hoặc HNX trong quý III với giá chào sàn 60.000 đồng/cp – giống như mức giá dự kiến khi Bamboo Airways chỉ có 405 triệu cổ phiếu. Như vậy, vốn hóa mục tiêu của Bamboo Airways lúc này là 2,7 tỷ USD.

Chưa đầy một tháng sau, ông Quyết cho biết Bamboo sẽ IPO ở Mỹ với vốn hóa lên tới 4 tỷ USD. Nếu Bamboo thực sự được niêm yết với định giá 4 tỷ USD, số cổ phần BAV mà ông Quyết và FLC nắm giữ cũng có trị giá rất lớn. Tuy nhiên, cổ phiếu Bamboo Airways đến nay vẫn chỉ được mua bán thỏa thuận qua thị trường phi tập trung với giá khoảng 20.000 đồng/cp.

Ngày 13/4, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ từ 10.500 tỷ đồng lên 12.500 tỷ đồng, tương ứng từ 1,05 tỷ cổ phiếu lên 1,25 tỷ cổ phiếu BAV.

Hai tuần sau, Bamboo tiếp tục nâng vốn lên 16.000 tỷ đồng, tạm dẫn đầu các hãng hàng không Việt Nam.

Ngày 7/9, Bamboo được nhà chức trách Mỹ cấp phép bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2021, tổng cộng 12 chuyến.

Đến tháng 11, Bộ Giao thông vận tải Mỹ cho phép Bamboo Airways được bay thuê chuyến (charter) chở hành khách, thư tín, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ trong một năm từ 2/11/2021 đến 2/11/2022.

Ngày 19/11, Bamboo Airways thông báo dự định đăng ký giao dịch ở UPCoM, thay vì niêm yết ở HOSE, HNX hay sàn chứng khoán Mỹ như tham vọng trước đó. Tuy nhiên, ngay cả kế hoạch lên UPCoM đến nay cũng chưa trở thành hiện thực.

Sau hai năm liên tiếp 2019 – 2020 báo lãi ròng nhờ doanh thu hoạt động tài chính, đến năm 2021 Bamboo Airways ghi nhận lỗ sau thuế 2.281 tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 3.557 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước.

Doanh thu tài chính giảm 45% còn 2.571 tỷ. Hãng bay của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ghi nhận lỗ gộp 4.060 tỷ đồng. Bamboo Airways khai thác 24.823 chuyến bay trong năm 2021, giảm 13% so với năm trước. Do tổng số chuyến bay toàn ngành sa sút tới 42% nên thị phần của Bamboo cải thiện từ 13% lên 20%.

 

Thị phần số chuyến bay của Bamboo Airways tăng từ 13% năm 2020 lên 20% vào năm 2021 rồi giảm còn gần 17% trong năm 2022.

 

Năm 2022: Biến cố lớn

Vào tháng 2, Bamboo Airways có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải duyệt phương án nâng tổng vốn đầu tư của hãng và cho phép tăng đội tàu bay từ 29 lên 100 chiếc.

Đề nghị này chưa được duyệt thì xảy ra sự kiện động trời: Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/3/2022 về tội thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Ngày 31/3, ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch thay ông Quyết, cả ở Bamboo Airways lẫn Tập đoàn FLC.

Cuối tháng 7, ông Đặng Tất Thắng Thắng thôi chức Tổng Giám đốc của Bamboo để cấp phó là ông Nguyễn Mạnh Quân lên thay.

Đại hội cổ đông bất thường ngày 13/8 đã miễn nhiệm ông Thắng khỏi Hội đồng quản trị của Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng được bầu làm Chủ tịch mới.

Ba lãnh đạo của Tập đoàn FLC là các ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm, và Doãn Hữu Đoàn cũng có mặt trong HĐQT của Bamboo Airways.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, HĐQT của Bamboo và FLC đã thay đổi hoàn toàn, tất cả thành viên hiện tại đều được bầu mới. Lúc này, Bamboo không còn là công ty con nhưng vẫn là công ty liên kết của FLC. 

 

Năm 2023: FLC chuẩn bị thoái vốn

Ngày 4/3, tại đại hội cổ đông bất thường của FLC, ban lãnh đạo tập đoàn cho biết FLC đang đầu tư 4.015 tỷ đồng vào Bamboo, tương đương 21,7% vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng của hãng hàng không này.

Do Bamboo Airways hoạt động thua lỗ, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư theo tỷ lệ sở hữu. Số FLC đã trích lập năm 2021 là 373 tỷ đồng. Số FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể lên tới 3.642 tỷ đồng.

Ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch FLC đồng thời là Phó Chủ tịch Bamboo, cho biết tập đoàn đang có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần tại Bamboo Airways.

Ngày 6/4, FLC thông qua chủ trương ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airwayss (BAV) mà Tập đoàn FLC đang sở hữu cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu nhận chuyển nhượng. 

Ngày 10/4, Bamboo Airways tổ chức đại hội bất thường và trình phương án phát hành 772 triệu cổ phiếu BAV để hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần, ngoài ra còn định phát hành 185 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, đa số cổ đông của Bamboo đã không đồng ý phương án này.

Đức Quyền