Đa số cổ đông Bamboo Airways không đồng ý phát hành 957 triệu cổ phiếu tăng vốn
Sáng 10/4, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - Mã: BAV) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023. Tại đại hội, HĐQT đã trình bày phương án chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông để tăng vốn điều lệ, tuy nhiên phương án này không được các cổ đông thông qua.
Cụ thể, ĐHĐCĐ bất thường của Bamboo Airways có 98 cổ đông tham dự, tương ứng với 93,859% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo kết quả biểu quyết tại đại hội, có gần 756,7 triệu cổ phần, tương đương 43,569%, thông qua phương án phát hành cổ phần riêng lẻ; xấp xỉ 980 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương ứng 56,426%, không tán thành thông qua phương án phát hành.
Như vậy, kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tái cấu trúc khoản vay và phát hành cổ phần cho nhà đầu tư mới của Bamboo Airways đã không được thông qua.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ, Bamboo Airways muốn phát hành 772 triệu cổ phần để hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thỏa thuận giữa công ty hàng không này với chủ nợ. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phần, tương đương tỷ lệ hoán đổi 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ hoán đổi được một cổ phần phát hành thêm.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng lên kế hoạch phát hành 185 triệu cổ phần cho nhà đầu tư mới. Đại hội cổ đông dự kiến sẽ ủy quyền cho HĐQT chủ động tìm kiếm, quyết định các tiêu chí lựa chọn và thông qua danh sách nhà đầu tư tham gia mua cổ phần riêng lẻ và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư. Giá phát hành dự kiến cho nhà đầu tư mới cũng là 10.000 đồng/cổ phần.
Với việc cổ đông chưa thông qua kế hoạch phát hành để tăng vốn, ban lãnh đạo Bamboo Airways cho rằng công ty cần thêm thời gian để bổ sung thông tin, hoàn thiện phương án tăng vốn khả thi nhất cho Bamboo Airways.
Sau khi hoàn thiện, phương án tăng vốn sẽ được trình ĐHCĐ thông qua tại cuộc họp gần nhất. Đại diện hãng cho biết kết quả này trong ngắn hạn không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của hãng hàng không.
“Nguyên tắc cốt lõi khi thực hiện tái cơ cấu của Tre Việt là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, đồng thời đảm bảo năng lực tài chính và ổn định hoạt động của Bamboo Airways, từ đó tạo động lực để hướng tới các mục tiêu trong trung và dài hạn, mang lại giá trị gia tăng cho cả cổ đông và khách hàng”, đại diện HĐQT Bamboo Airways cho biết.
Nhà đầu tư mới chưa nắm 51% cổ phần tại Bamboo Airways
Tại phần thảo luận, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, gần đây doanh nghiệp có thông cáo về việc có nhà đầu tư mới nhưng hiện tại chưa thể công bố thông tin nhà đầu tư mới, khi nào nhà đầu tư mới nắm được trên 51% cổ phần thì mới công bố chính thức.
- TIN LIÊN QUAN
-
Cổ đông Bamboo Airways muốn được nhận cổ phiếu phát hành thêm mà không cần chi tiền 10/04/2023 - 16:54
Với đề xuất của cổ đông về việc hoán đổi cổ phiếu cho chủ nợ khi ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định danh sách chủ nợ và khoản nợ được hoán đổi nên ưu tiên khoảng 10 chủ nợ lớn nhất cần hoán đổi nợ để đảm bảo tính công bằng, ông Hải lý giải việc để cho HĐQT quyết định vấn đề này vì đặc thù của Bamboo Airways là trải qua rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch COVID và sự cố xảy ra với cựu chủ tịch trước đây.
“Trong khoảng thời gian vừa qua, HĐQT biết rất rõ từng chủ nợ một và HĐQT cũng có được danh sách ưu tiên, sau khi ĐHĐCĐ hôm nay thông qua kế hoạch phát hành, HĐQT sẽ họp và sẽ thảo luận chi tiết các chủ nợ. Nên xin phép vẫn để trong nghị quyết hôm nay chung và rộng nhất có thể, có thể là 1, 2 hoặc 5, 10, 15, 20 chủ nợ để đảm bảo sự hoạt động thường xuyên liên tục của Bamboo Airways”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, trong ba năm vừa qua, Bamboo Airways vẫn duy trì hoạt động liên tục, không những vậy còn tăng số lượng tàu bay. Cho nên mong cổ đông tin tưởng vào HĐQT của công ty để quyết định đối tượng chủ nợ phù hợp nhất.
Theo Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, hiện hãng hàng không có rất nhiều chủ nợ, trong đó, một trong các chủ nợ quan trọng nhất là chủ của các tàu bay mà hãng đang thuê. Trong ba năm đại dịch, Bamboo Airways phải rất nỗ lực để đàm phán với các chủ nợ là các chủ tàu để giãn, hoãn nợ và cho đến nay chưa có chủ nợ nào rút tàu bay bởi vì Bamboo vẫn đang hoạt động trong điều kiện thị trường.
Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động, doanh nghiệp cũng phải huy động thêm 8.000 tỷ đồng từ các chủ nợ mới. Tuy nhiên, thông tin các chủ nợ xin được báo cáo tới cổ đông sau.