|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng NN&PTNT: Kinh tế tuần hoàn là giải pháp để ngành nông nghiệp thích nghi với xu hướng xanh hoá

09:00 | 10/02/2024
Chia sẻ
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định xanh hoá là xu hướng không thể đảo ngược, trong đó cần nhân rộng những mô hình kinh tế tuần hoàn. Đó là cơ hội để Việt Nam vừa thích ứng, vừa tiến tới ngành nông nghiệp sinh thái, thuận tự nhiên.

Mở đầu câu chuyện với báo chí, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan kể nông dân Tứ Kỳ (Hải Dương) sản xuất lúa - rươi - cáy, ba tầng giá trị, cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, gấp 10 lần vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng cho rằng đây là tiền đề của nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thuận tự nhiên và hướng đến mục tiêu xanh hoá ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. (Ảnh: Báo Người Lao động)

“Xanh hoá” là từ khoá phổ biến trong năm qua. Bộ NN&PTNT sẽ được triển khai trong thời gian tới như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta thường nói rằng nông nghiệp xanh, kinh tế xanh nhưng thật ra chữ “xanh” đi sau chữ “nâu”.  Trước đây, chúng ta ở trong một nền kinh tế nâu, tức là môi trường bị lạm dụng, dẫn đến biến dạng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Chúng ta cần phải hiểu rằng, môi trường tồn tại có thể không cần đến con người, nhưng con người không thể tồn tại nếu không có môi trường xanh.

Xanh để cân bằng sự phát triển và trở lại môi trường tự nhiên. Trước đây, trồng lúa sản lượng cao sẽ kèm theo đó là phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, chúng ta đã có đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, hướng tới sản xuất xanh. 

Với ngành gỗ, thị trường EU mới đưa ra yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc về chống phá rừng (EUDR) và rất có thể sau này họ sẽ xem xét các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU có sử dụng năng lượng hoá thạch, ảnh hưởng đến môi trường. Rõ ràng, câu chuyện bây giờ không phải là mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm.

Xanh hóa toàn cầu là xu hướng không thể đảo ngược. Rõ ràng chúng ta phải thích ứng và nếu chúng ta hành động nhưng không vượt qua được tâm thế đối phó thì chúng ta sẽ không thể thành công.

Câu chuyện từ tư duy sang hành động cần bắt đầu song hành từ đầu cuối đó là sản phẩm đồng thời cũng cần bắt đầu từ công tác đào tạo, giáo dục để thay đổi nhận thức từ thế hệ con trẻ. Đây là cả một quá trình.

Như Bộ trưởng đã chia sẻ, xanh hoá là xu hướng không thể đảo ngược. Vậy ngành nông nghiệp đã thích nghi như thế nào?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị.

Chẳng hạn như ở Hải Dương, nông dân sản xuất lúa - rươi - cáy, ba tầng giá trị.  Nông dân cho biết thu nhập bán rươi, cáy nhiều hơn bán lúa. Tính ra, mỗi ha lúa - rươi - cáy cho thu nhập 500 triệu đồng, gấp 10 lần khu vực ĐBSCL. Khi sản xuất lúa - rươi - cáy thì chắc chắn là sản xuất hữu cơ, xanh hoàn toàn.

Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá ở Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp… cũng vậy, nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp tuần hoàn sinh thái.

Trong bối cảnh "bão giá" vật tư đầu vào, những mô hình trên giúp nông dân giảm chi phí đáng kể, bởi không cần phân bón, thuốc. Những mô hình này cũng giúp chúng ta chuyển đổi từ tư duy truyền thống một ngành hàng sang tích hợp nhiều ngành hàng, đa giá trị. Đó là cơ hội để Việt Nam vừa thích ứng, vừa tiến tới một ngành nông nghiệp tuần hoàn, xanh và nền nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên.

Bước sang năm 2024, ngành nông nghiệp đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thứ nhất, ngành nông nghiệp cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tuy nhiên phạm vi của việc này rất lớn, bao gồm: cơ chế vận hành của Nhà nước, sự thay đổi nhận thức của nông dân và cách truyền thông… Tư duy thay đổi, hành động thay đổi, khi đó các cơ chế chính sách sẽ vận động theo.

Thứ hai, ngành nông nghiệp hiện nay không còn là làm nông đơn thuần, mà là nông nghiệp tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, từ đó mới cộng hưởng ra giá trị. Nếu chúng ta cứ nghĩ đơn giản chỉ là những con số, sản lượng, kim ngạch, thì có thể nó đã tới hạn về không gian phát triển.

Ví dụ như du lịch nông nghiệp, nếu biết làm, nông dân có thể tăng thu nhập 6 - 10 lần so với chỉ làm nông nghiệp đơn thuần. Những yếu tố vô hình mà chúng ta đang khai thác còn lớn hơn rất nhiều lần những yếu tố hữu hình mà chúng ta đang theo đuổi.

Trước giờ, chúng ta hay đặt câu hỏi rằng cùng làm ra hạt gạo, hàng Nhật Bản bán đắt gấp 10 lần Việt Nam. Đằng sau giá cả, sản xuất là câu chuyện sản phẩm. Do vậy, tôi cho rằng chúng ta cần có tầm nhìn dài hơi.

Nhiều người đặt những câu hỏi về kim ngạch xuất khẩu năm 2024 dự kiến đạt được bao nhiêu? Mục tiêu tăng trưởng như thế nào?

Không phải tất cả mọi thứ đều được đong đo bằng số liệu. Bộ NN&PTNT đang xây dựng thang chỉ số để đo đếm chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ở đó, Bộ sẽ không chỉ nhìn vào con số tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp hay kim ngạch xuất khẩu, mà còn đo lường được thu nhập của người nông dân. Đây mới mới là yếu tố quan trọng nhất. Giá bán không quyết định thu nhập. Lợi nhuận là bài toán trừ chi phí, chứ không chỉ là vấn đề đầu ra.

Thị trường, giá cả đầu ra chúng ta không quyết định được, đó là quy luật cung - cầu. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất tạo ra nông sản. Chúng ta bán sầu riêng sang Trung Quốc thì Thái Lan, Malaysia cũng bán sầu riêng sang thị trường này. Chúng ta bán quả xoài sang thị trường Nhật Bản, thì người Thái Lan cũng có thể làm được.

Rõ ràng, chúng ta có thể quyết định được giá và có thể quy định giá nếu kéo giảm chi phí đầu vào. Khi chi phí đầu vào giảm một đồng thì lợi nhuận sẽ tăng được một đồng.

Và ở đây, chúng tôi nhấn mạnh tư duy hợp tác, hợp tác và hợp tác. Việc này giúp bà con nông dân giảm bớt rủi ro về giá, về thị trường, có thể giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Phạm Mơ

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.