|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tồn kho đã giảm, tiêu thụ nhựa nửa cuối năm dự báo khởi sắc, đơn hàng nhiều hơn

20:11 | 22/06/2023
Chia sẻ
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) cho biết hiện tồn kho của các thị trường đã có dấu hiệu giảm, VPA kỳ vọng tiêu thụ nhựa 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc, đơn hàng của các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.

Giữa cơn bão lạm phát, ngành nhựa vẫn có đơn hàng và duy trì sản xuất

Tại họp báo Triển lãm HVACR Vietnam 2023 kết hợp cùng Triển lãm công nghệ, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc ngành Nhựa & Cao su Việt Nam, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) cho biết năm 2022, sản lượng sản xuất của ngành nhựa đạt 9,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2021.

Kết quả này đem lại doanh thu toàn ngành khoảng 25,1 tỷ USD, tăng 6%, trong đó tiêu thụ trong nước chiếm 75%, xuất khẩu khoảng 25%.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA). (Ảnh: BTC)

Tuy nhiên, ngành nhựa đã khó giữ được đà tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm. Theo đó, tiêu thụ nhựa có sự sụt giảm ở thị trường trong nước do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tiêu dùng yếu, các doanh nghiệp cũng giảm đơn hàng.

Ngoài ra, mảng xuất khẩu sản phẩm từ chất dẻo cũng chỉ đạt 2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022, số liệu của Tổng cục Thống kê.

Bà Huỳnh Thị Mỹ cho biết giai đoạn đầu năm, các nhà nhập khẩu e ngại việc ký đơn hàng dài và lớn do nhu cầu yếu, tồn kho từ năm 2022 vẫn còn cao. Cùng với những biến động của thị trường, việc lãi suất tăng cao, tình hình tài chính eo hẹp cũng khiến doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc mua hàng.

Tuy nhiên, Tổng thư ký VPA cho rằng ngành nhựa, bao bì là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Do vậy dù trong tình hình khó khăn chung, ngành nhựa vẫn có đơn hàng, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất.

“Hiện tồn kho của các thị trường đã có dấu hiệu giảm, chúng tôi kỳ vọng tiêu thụ nhựa 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc, đơn hàng sẽ dày hơn”, bà Huỳnh Thị Mỹ nói.

Đại diện VPA cho rằng xét về giai đoạn dài hạn, thị trường nhựa Việt Nam dự kiến tăng trưởng ổn định ở tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) ước đạt 8% (Mordor Intelligence, 2023 - 2028).

“Những ảnh hưởng của đại dịch đến ngành nhựa là không thể phủ nhận, tuy nhiên sự phục hồi của ngành hàng tiêu dùng và xây dựng – những nhóm đầu ra lớn nhất của ngành nhựa hiện tại đang mở ra những tín hiệu tích cực của công nghiệp nhựa Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực bao bì và nhựa xây dựng”, bà Huỳnh Thị Mỹ dự báo.

 (Nguồn: VPA)

Theo số liệu của VPA, hiện doanh thu mảng nhựa bao bì và gia dụng đang chiếm khoảng 58% tổng doanh thu ngành này, trong khi nhựa kỹ thuật và xây dựng chỉ chiếm khoảng 33%.

Tuy nhiên cơ cấu doanh thu ngành nhựa sẽ có sự thay đổi lớn khi các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, cùng số lượng ngày càng nhiều nhà máy được lắp đặt mới đang làm gia tăng mạnh nhu cầu về nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật trong nước.

Theo Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công Thương, ngành nhựa sẽ chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật có tính chất cơ lý đặc biệt chuyên dùng trong thi công công trình và hoạt động công nghiệp.

Ngoài ra, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 20232030 cũng đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân tại hơn 350 khu công nghiệp Việt Nam cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhu nhu cầu nhựa xây dựng.

Cần điều chỉnh định mức chi phí tái chế về mức phù hợp

Cũng tại buổi họp báo, bà Huỳnh Thị Mỹ cho biết thị trường nhựa tái chế trên thế giới đang tăng trưởng hết sức nhanh chóng, dự kiến đến năm 2030, nhựa tái chế sẽ chiếm khoảng 15% tổng nguồn cung nhựa.

Để nâng cao con số này, ngành nhựa Việt Nam cần cải tiến công nghệ mới; phát quan hệ kinh doanh bền chặt để đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục ở cả đầu vào và đầu ra; những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Liên quan đến định mức tái chế, gần đây 14 hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã có văn bản kiến nghị giảm định mức chi phí tái chế, chưa áp dụng xử phạt về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) nhằm giảm thiểu khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Tại văn bản kiến nghị, 14 hiệp hội nêu rõ định mức chi phí tái chế (Fs) trong dự thảo chưa hợp lý và đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước khác, chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

Định mức Fs cao như đề xuất có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa. Đơn cử, giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa. Từ đó, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Liên quan đến EPR, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị trong hai năm đầu tiên (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận.

Theo các hiệp hội, EPR là một chính sách rất mới, đa số các nước châu Á còn chưa áp dụng bắt buộc. Việc thực thi cho hàng ngàn loại bao bì, sản phẩm là rất phức tạp, cần hướng dẫn chi tiết. Nhiều loại bao bì, sản phẩm còn chưa có công nghệ tái chế, chưa có nhà tái chế nên nhiều doanh nghiệp không có sẵn giải pháp. Nếu áp dụng ngay việc xử phạt với mức phạt rất cao sẽ rất khó khăn và bất cập cho doanh nghiệp khi chưa được hướng dẫn đầy đủ về quy định mới.

Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong hai hình thức. Thực tế, nhiều loại bao bì, sản phẩm hiện chưa có giải pháp tái chế hiệu quả. Các doanh nghiệp vẫn đang tìm giải pháp tái chế phù hợp. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian để thử nghiệm, và trong khi thử nghiệm, chưa thể xác định được số lượng được tái chế.

Ngoài ra, các hiệp hội đề xuất có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phụ thuộc vào nguồn vật liệu nguyên sinh trong sản xuất, tạo đầu ra cho ngành tái chế và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế ở Việt Nam.

Hoàng Anh